hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tìm việc làm cho thanh niên miền núi (08/06/2018)
Cùng với việc tư vấn hướng nghiệp, kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện Tây Giang mới đây là cơ hội giúp thanh niên miền núi tìm được việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Thanh niên người Cơ Tu ở Tây Giang tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Thanh niên người Cơ Tu ở Tây Giang tìm hiểu thông tin tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Khơi thông” cách nghĩ

Lần đầu tiên, sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại huyện miền núi Tây Giang, thu hút sự quan tâm của rất nhiều thanh niên và người lao động địa phương. Nhiều thanh niên đến đây, không chỉ được tìm hiểu thông tin, nghe tư vấn về đào tạo nghề, mà còn có cơ hội tìm kiếm việc làm ngay tại sàn giao dịch với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Vì thế, không gian nhà làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang trở nên đông đúc bước chân người tìm về đăng ký. Những gương mặt hồ hởi, lần đầu tiên được tiếp xúc với các nhà tuyển dụng càng khiến không gian thêm sôi động và bớt đi nỗi lo lắng, căng thẳng vốn “ăn sâu” trong tâm lý của thanh niên đồng bào vùng cao.

Theo ông Alăng Aláy - Phó Chủ tịch UBND xã A Nông, lâu nay câu chuyện tìm kiếm việc làm cho thanh niên luôn nan giải, bởi nhiều người trẻ có tâm lý không muốn đi làm ăn xa, ra khỏi địa phương. Chính vì thế, phần lớn thanh niên, người lao động miền núi chỉ quanh quẩn với công việc tại làng, như một cách chấp nhận với cuộc sống hiện tại. Thực tế đó đã khiến nhiều thanh niên miền núi trở nên không có việc làm, cũng như không có nguồn thu nhập ổn định phục vụ đời sống gia đình. Ông Aláy chia sẻ: “Hôm nay, mình đến đây trực tiếp dẫn 41 thanh niên địa phương đến để được tư vấn, định hướng về việc làm. Có cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương đứng ra cam kết, tạo cơ hội kết nối giúp thanh niên miền núi thay đổi suy nghĩ bản thân để tìm kiếm việc làm ổn định, từ đó tạo được thu nhập, vươn lên trong cuộc sống”. Ông Aláy cũng cho biết ngay tại sàn giao dịch đã có 21 thanh niên địa phương trực tiếp đăng ký tham gia học nghề và đi lao động tại một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Ông Bh’riu Quân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tây Giang cho hay, sàn giao dịch việc làm thu hút hơn 300 thanh niên và người lao động ở địa phương đăng ký tham gia. Đây được xem là hiệu quả bước đầu, tạo điều kiện để người dân được tiếp xúc, làm quen dần, cũng như được tư vấn về môi trường làm việc, ngành nghề mới. “Lâu nay, người dân miền núi thường có tâm lý rất ngại đi làm ăn xa nhà, xa gia đình vì nhiều lý do khách quan. Do vậy, dù được chính quyền địa phương động viên và hỗ trợ đưa đi làm việc tại một số đơn vị, doanh nghiệp nhưng chỉ sau vài tháng đều bỏ về. Lần này, chúng tôi phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm ngay tại địa phương, đảm bảo từng khâu từ công tác tư vấn tâm lý, tư vấn việc làm, cho đến cam kết với các công ty, nhà tuyển dụng. Hy vọng, sẽ giúp thanh niên địa phương “khơi thông” cách nghĩ, sớm ổn định công việc để có thu nhập, xây dựng cuộc sống gia đình” - ông Quân cho biết thêm.

Tự đăng ký việc làm

Từ thôn Knoonh (xã Ch’Ơm), Pơloong Nhới một mình lặn lội đến sàn giao dịch việc làm tại trung tâm huyện để nghe tư vấn, hướng nghiệp. Sau một thời gian được các nhà tuyển dụng, công ty tư vấn, Nhới đã trực tiếp đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Nhới chia sẻ, dù anh vừa cưới vợ nhưng ở quê công việc để kiếm thu nhập hầu như không có nên muốn đi ra khỏi làng, vừa học hỏi kinh nghiệm sống, vừa có thu nhập vì không muốn phụ thuộc vào gia đình. “Hy vọng công việc sắp tới được ổn định, suôn sẻ” - Nhới bộc bạch. Còn Hôih Bếp (ở thôn Tưr, xã Dang) cho biết, rất hào hứng khi tham gia sàn giao dịch việc làm lần đầu tiên được tổ chức tại địa phương. Xem đây như cầu nối hỗ trợ việc làm cho những lao động trẻ như anh, muốn tự thân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bếp cho hay, sau quá trình tư vấn, anh quyết định chọn đi làm việc tại Công ty Hào Hưng (Quảng Ngãi) để tìm kiếm cơ hội cho bản thân.

Ông Bh’riu Quân cho biết thêm, để tạo điều kiện cho thanh niên địa phương yên tâm đăng ký học nghề và đi làm việc, chính quyền địa phương đã phối hợp với 2 trung tâm đào tạo, trường dạy nghề, cùng 4 công ty, doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng. Nhờ đó, ngay sau sàn giao dịch việc làm này, đã có 63 thanh niên địa phương trực tiếp đăng ký học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp (trong đó có 24 người đăng ký học nghề, 36 người đi làm trong nước và 3 người đăng ký xuất khẩu lao động). Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng tư vấn cho hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên miền núi Tây Giang. “Từ thành công bước đầu của sàn giao dịch việc làm này, chúng tôi sẽ tiếp tục có kế hoạch phối hợp và tổ chức thêm nhiều sàn giao dịch khác nhằm đảm bảo đem đến cơ hội việc làm cho thanh niên, người lao động và bộ đội xuất ngũ tại địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho người lao động, cũng như đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện” - ông Quân nói.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  776 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 48 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com