|
Quang cảnh cuộc tọa đàm diễn ra tại TP.Bảo Lộc chiều qua 13.4. Ảnh: NGHI - SỰ |
Theo ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, giai đoạn từ sau năm 1975 đến 1985 Quảng Nam được xem là thủ phủ dâu tằm tơ của cả nước. Tuy nhiên, các năm sau đó, do thị trường tơ lụa thế giới đối diện với nhiều khó khăn khiến nghề này bị mai một. Thời gian gần đây, thị trường tơ lụa thế giới bắt đầu hồi phục, trong khi đó các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng dâu, kén, tơ tăng lên đáng kể. Ông Đặng Vĩnh Thọ cho biết, với xu hướng phát triển hiện nay, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam rất hoan nghênh việc UBND tỉnh Quảng Nam có chủ trương khôi phục lại nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa là nghề truyền thống lâu đời của Quảng Nam. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, nghề này đã bị mai một suốt thời gian dài. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ tơ lụa trên thế giới tăng mạnh, nhiều tiến bộ khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất, ngành nghề này có nhiều cơ hội để phát triển. “Thời gian qua, nông dân và các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Nam luôn đau đáu khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm. Buổi tọa đàm này là cơ hội để Quảng Nam tiếp thu những ý kiến đề xuất, các giải pháp hay, khả thi của những nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực này. Đặc biệt, các doanh nghiệp là đầu tàu trong kết nối, hợp tác để phát triển nghề một cách bền vững” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
|
Thời gian tới, nhiều địa phương của tỉnh sẽ tập trung khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm. Ảnh: NGHI - SỰ |
Qua trao đổi tại buổi tọa đàm cho thấy, việc tỉnh Lâm Đồng áp dụng đồng bộ giống tằm mới, giống dâu mới và kỹ thuật nuôi tằm cải tiến đã giúp năng suất và chất lượng kén tăng lên đáng kể. Cụ thể, áp dụng các giống dâu mới như S7-CB, VA-201, BL03, BL05 thay cho các giống dâu cũ và kết hợp với những kỹ thuật thâm canh mới đã cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha (cao hơn trước đây 1,5 lần). Sử dụng các giống tằm mới kết hợp với cải tiến kỹ thuật nuôi tằm mới như tách nuôi chuyên tằm con riêng (từ trứng nở đến 3 tuổi) và nuôi tằm lớn riêng, sử dụng các thiết bị dụng cụ mới trong việc cho tằm lên né tạo kén… năng suất đạt trung bình 50kg kén/họp trứng (trước đây chỉ đạt 25-30kg kén/họp trứng), chất lượng tơ đạt với yêu cầu của thị trường thế giới…
Nhiều ý kiến cho rằng, Quảng Nam hoàn toàn có thể khôi phục và phát triển nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Tuy nhiên, để nghề này phát triển một cách bền vững, nhất thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước và hướng tất yếu là phải liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Cùng với đó, trong quá trình phát triển sản xuất, đòi hỏi phải áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ tự động. Đồng thời, ngành liên quan và chính quyền các địa phương của tỉnh cần xây dựng những mô hình trình diễn gắn với đào tạo tay nghề cho nông dân để từ đó nhân ra diện rộng...
VĂN NGHI - VĂN SỰ
Theo Báo Quảng Nam