|
Vùng chuyên canh cây đậu phụng tại thôn Phú Đông (xã Điện Quang). Ảnh: CÔNG TÚ |
Màu xanh bờ tây
Triển khai đề án này, Điện Bàn định vị xây dựng 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Theo đó, khu vực Gò Nổi (3 xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong) hình thành vùng chuyên canh sản xuất cây màu; vùng phía tây (các xã Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước…) phát triển lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao và lấy thương hiệu gạo Phong Thử; vùng đông (5 phường Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và Điện Dương) phát triển nông nghiệp đô thị bằng trồng rau sạch và hoa, cây kiểng là hướng chủ đạo.
Sở hữu diện tích hơn 1.250ha đất màu, thị xã quy hoạch vùng Gò Nổi thành 24 cánh đồng chuyên canh cây màu quy mô lớn. Kết hợp dồn điền đổi thửa và cải tạo đồng ruộng, mỗi cánh đồng có ít nhất 4 lô và diện tích 2,5 - 5ha/lô. Trong quá trình quy hoạch, địa phương còn phát triển thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa giao thông nội đồng. Cơ cấu cây trồng được bố trí trồng 4 loại cây chủ lực như bắp, đậu phụng, ớt và đậu xanh. Ngoài ra, còn khuyến khích phát triển một số mô hình như bắp đông xuân - đậu xanh (hoặc mè) xuân hè - bắp hè thu; bắp nếp đông xuân - đậu xanh (hoặc mè) xuân hè - bắp nếp hè thu; đậu phụng đông xuân - đậu xanh (hoặc mè) xuân hè - bắp hè thu và mô hình ớt đông xuân - bắp hè thu.
Từ năm 2017, mô hình “cánh đồng chuyên canh kết hợp cơ giới hóa trên cây đậu xanh” tại Điện Quang và “trồng và thâm canh bắp kết hợp công cụ gieo hạt” tại xã Điện Phong được triển khai xây dựng. Nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo tỉa hạt, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, chi phí như công lao động, thuốc bảo vệ thực vật giảm nhưng năng suất mang lại cao hơn. Thực tế, mỗi mô hình cho thu nhập cao hơn từ 6,5 đến 7 triệu đồng/ha so với sản xuất đại trà; việc dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân đạm giảm thiểu. Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang - ông Hà Văn Minh cho hay, vụ đông xuân 2017-2018, địa phương tiếp tục tổ chức cho nông dân thôn Phú Đông triển khai chuyên canh 10ha đậu phụng. Về vùng tây, vụ hè thu 2017, Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn phối hợp triển khai mô hình sản xuất lúa gạo theo hướng hữu cơ tại xã Điện Thọ, quy mô 3ha. Mô hình này hoàn toàn sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Trưởng ban nhân dân thôn Đông Hòa - ông Nguyễn Văn Kiệt chia sẻ, năng suất lúa sau thu hoạch đạt 80 tạ tươi/ha. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi ròng 20,65 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa thông thường là 7,15 triệu đồng/ha.
Phấn khởi vùng đông
Tại vùng đông, tháng 9.2017, Điện Bàn xây dựng thí điểm 4 mô hình canh tác nông sản sạch ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, mỗi nhà lưới có diện tích 500m với kinh phí 180 triệu đồng (chính quyền hỗ trợ 50%). Canh tác là các loại nông sản như măng tây, xà lách trái vụ, cải con, ớt… Nhiều hộ nông dân ứng dụng thí điểm mô hình đều có nguồn thu nhập khả quan. Điển hình là hộ Nguyễn Thanh Lành ở khối phố Bình Ninh (phường Điện Nam Bắc), chỉ qua 4 tháng chuyên canh tác cây cải con, gia đình lãi ròng hơn 32 triệu đồng. Hộ ông Bùi Thanh Cưỡng ở khối phố Ngân Câu (phường Điện Ngọc) chủ yếu trồng rau thơm, cải ngọt, ớt tươi. Do nằm trong nhà lưới không ảnh hưởng bởi thời tiết mưa, nắng giúp cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh; cùng với hệ thống tưới phun giúp giữ độ ẩm ổn định nên thời gian sinh trưởng ngắn hơn đại trà. Với diện tích 500m2, sau gần 3 tháng trồng và chăm sóc cây rau thực phẩm, lãi ròng hơn 24 triệu đồng.
Thực tiễn cho thấy, phương pháp trồng cải lứa, cải con và xà lách trong nhà lưới cho thu nhập bình quân cả năm cao hơn 50 - 80% so với trồng đại trà, nhất là ở thời điểm trái vụ hoặc thời tiết xấu. Ngoài ra, nhiều hộ dân khu vực vùng đông cũng đang mạnh dạn trồng thử nghiệm một số loại hoa cung cấp vụ tết được thị trường ưa chuộng, nhưng trên địa bàn tỉnh còn ít canh tác như ly ly, hoa hồng và bước đầu thu được tín hiệu khởi sắc. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Phan Minh Dũng cho rằng, những mô hình kể trên không chỉ mang lại sản phẩm sạch mà còn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để nâng cao giá trị của sản phẩm được sản xuất trong nhà lưới, thị xã Điện Bàn sẽ nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, quả ở các phường vùng đông theo chuỗi giá trị. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, nhà sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Ngọc 1 để có cơ sở liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Cũng theo ông Phan Minh Dũng, địa phương đang ấp ủ việc xây dựng các mô hình sản xuất mới như trồng rau thủy canh; trồng rau, củ, quả trên giá thể; trồng rau quả hữu cơ và các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Thị xã tiếp tục tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong doanh nghiệp và người dân nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Kêu gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm.