Nhiều người dân phường Cẩm Nam gắn bó với nghề trồng bắp nếp lâu đời. Ảnh: PHAN VINH
Giữ nghề
Tháng Giêng, chúng tôi có dịp đi dọc con đường chính của phường Cẩm Nam, bên kia sông là Cồn Bắp rộng lớn thuộc khối phố Xuyên Trung. Gia đình ông Lê Văn Tiễn (60 tuổi, khối phố Xuyên Trung) đã có 2 đời trồng bắp tại cồn này. Ông Tiễn kể, trước năm 1975, khu vực này còn chìm trong sông nước, cha ông cùng nhiều người trong làng rủ nhau ra đây trồng cây lác để chắn nước, tích tụ phù sa. Một thời gian, phù sa sau mỗi đợt lũ lụt đọng lại tạo thành cồn như bây giờ. Thế nhưng, nơi đây đất bị pha cát, dòng nước xung quanh thuộc nước lợ nên ngoài cây bắp nếp, người dân không thể trồng cây gì khác. Dần dà, cồn này được phủ kín bởi những đám bắp nên người ta gọi là Cồn Bắp cho đến nay.
Hộ ông Tiễn được cho là gia đình trồng bắp lâu đời và nhiều nhất phường Cẩm Nam. Ảnh: PHAN VINH
Hiện tại, nhờ tiếp nối nghề của cha nên diện tích trồng bắp của ông Tiễn được cho là nhiều nhất phường Cẩm Nam với hơn 4.000m2. Với giá bắp khoảng 3.000 đồng mỗi trái, thì một năm 3 vụ, ông thu lãi ròng khoảng gần 100 triệu đồng. “Tuy thu nhập không bằng những nghề khác hiện nay, nhưng đây là cái nghề từ xưa đến nay của cha để lại. Mặt khác, thương hiệu bắp nếp Cẩm Nam được phát triển đến ngày hôm nay thì mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy hơn nữa” - ông Tiễn chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Mới (65 tuổi, khối phố Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam) cho biết, dù sống ở môi trường du lịch với nhiều công việc cho thu nhập hấp dẫn, nhưng từ xưa đến nay ông mới chỉ làm một nghề: trồng bắp nếp. Nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền về việc cung cấp giống bắp nếp lai cao sản, ông Mới và nhiều người dân ở phường Cẩm Nam còn thực hiện việc chăm sóc cây bắp tránh khỏi sâu bệnh rất khoa học và an toàn. “Cụ thể, trong giai đoạn bắp phát triển thì mình sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để cây sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, đến khi cây bắp ra bông và trổ trái thì tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ dùng phương pháp truyền thống như ớt, tỏi để ngăn chặn sâu bọ” - ông Mới nói.
Phát triển thương hiệu
Theo thông tin từ UBND phường Cẩm Nam, trên địa bàn hiện có hơn 40ha diện tích trồng bắp nếp ở các khu vực cồn bãi của khối phố Xuyên Trung, Thanh Nam Đông, Thanh Nam Tây và Cao Ngạn. Trong nông nghiệp, phường Cẩm Nam lấy bắp là cây trồng chủ đạo bởi điều kiện thổ nhưỡng nơi đây là đất phù sa pha cát và có dòng nước lợ nhẹ chảy quanh năm. Hơn nữa, trồng cây bắp nếp cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với việc canh tác lúa. Và đặc biệt, các phế phẩm nông nghiệp từ cây bắp sau khi được ủ men vi sinh cũng có thể được tận dụng để làm thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho gia súc và gia cầm.
Người trồng bắp tại Cẩm Nam sẽ tham gia lễ hội bắp nếp vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch sắp tới. Ảnh: PHAN VINH
Để đưa thương hiệu bắp nếp Cẩm Nam vươn xa hơn nữa, ông Phạm Kiêu - Chủ tịch UBND phường Cẩm Nam cho biết, bắt đầu từ năm 2014 cho đến nay, địa phương đã tổ chức lễ hội bắp nếp Cẩm Nam được 3 lần và chuẩn bị tổ chức lần thứ 4 vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch sắp tới (riêng năm 2017 không tổ chức vì bị mất mùa do lũ lụt). Lễ hội thu hút được nhiều người dân và du khách đến tham dự. Đây cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu bắp nếp Cẩm Nam. Ngoài ra, địa phương cũng đang tạo điều kiện để cơ sở sữa bắp Hội An phát triển và tạo sản phẩm mới từ bắp nếp Cẩm Nam. Được biết, mỗi ngày cơ sở này sản xuất được khoảng 1.000 chai sữa bắp và thu mua của người dân khoảng hơn 50 cây bắp.
“Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế nông nghiệp mà cây bắp nếp còn là sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án xây dựng mô hình du lịch sinh thái bắp nếp Cẩm Nam tại khối phố Thanh Nam Đông và Thanh Nam Tây. Hiện tại, chúng tôi đang thi công các hạng mục cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội đồng... Khi mô hình được hoàn thành, du khách đến đây sẽ được tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm bắp nếp tại chỗ. Hy vọng, mô hình này sẽ đưa thương hiệu bắp nếp Cẩm Nam vươn xa hơn trong nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân” - ông Kiêu cho biết thêm.