Mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP được TP.Tam Kỳ thực hiện thí điểm dọc sông Trường Giang. Ảnh: X.T
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, trong năm 2017, Tam Kỳ đã triển khai Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp đến các địa phương, đặc biệt chú trọng việc xúc tiến các chuỗi giá trị chăn nuôi như gà Mười Tín, thịt heo Tam Phú. Đồng thời xúc tiến quy hoạch vùng nuôi tôm ven sông Trường Giang và làm thí điểm theo hướng VietGAP. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ các địa phương phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị 4 nhà cùng liên kết. Theo đó, thành phố đã ký kết với Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Việt Thắng (chi nhánh tại huyện Duy Xuyên) ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Ông Nam cho biết thêm: “Để tháo gỡ những khó khăn do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm bấp bênh, thành phố đã tập trung xây dựng hoàn chỉnh phương án sản xuất chăn nuôi theo mô hình chuỗi giá trị. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là giải pháp hướng đến một nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao”.
Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết thêm, trong năm 2018, thành phố sẽ triển khai thí điểm 3 chuỗi giá trị nông sản là các sản phẩm trong chăn nuôi từ quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Những chuỗi giá trị chăn nuôi mà Tam Kỳ nhắm đến là thịt gà, thịt heo, tôm nuôi… Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 12.200 con heo, trong đó heo ngoại chiếm 30% tổng đàn. Tại Tam Ngọc, Trường Xuân, Tam Phú, An Phú đã hình thành 2 trang trại và 13 gia trại chuyên nuôi heo hướng nạc với quy mô mỗi năm xuất chuồng 200 - 1.000 con/mô hình. Đối với con tôm, hiện nay toàn thành phố có 267ha mặt nước chuyên nuôi tại các xã Tam Thanh, Tam Phú, Tam Thăng, Hòa Hương, An Phú. Khi triển khai chuỗi giá trị, Tam Kỳ lấy vùng đã quy hoạch phát triển nghề nuôi tôm theo hướng VietGAP ở xã Tam Phú làm điểm, sau đó nhân rộng ra các nơi khác…
Theo ông Đỗ Văn Minh, Đề án hướng đến năm 2020 thu nhập bình quân hơn 60 triệu đồng/người/năm. Để những chuỗi giá trị thịt già, tôm, heo mang lại thành công lớn cho người dân Tam Kỳ, thành phố ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và hỗ trợ nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã mua sắm những loại máy móc hiện đại phục vụ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm. Thành phố cũng đã xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm cho nông hộ. Thực hiện gắn kết “4 nhà” trong sản xuất, chế biến và thu mua sản phẩm. Trong đó sẽ hình thành nguồn kinh phí xúc tiến đầu tư tiêu thụ sản phẩm của thành phố để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ hợp tác, cá nhân liên kết với nông dân trong chăn nuôi.