hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tàu lớn vươn khơi (05/01/2018)
Nhờ những cơ chế ưu đãi, Quảng Nam giờ đây đã có đội tàu lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao.
Đội tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT
Đội tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam. Ảnh: Q.VIỆT

Những chuyến biển vui

Từ đầu năm đến nay, các chuyến biển nghề chụp mực của ngư dân Trần Văn Hùng (thôn Thanh Long, xã Tam Quang, Núi Thành) đều đạt sản lượng cao. Ở chuyến biển mới nhất cập bờ cách đây chưa lâu, tàu vỏ thép QNa-91039 có công suất 822CV của anh Hùng khai thác được 40 tấn mực xà, bán được 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh chia cho mỗi bạn biển gần 20 triệu đồng, chủ tàu thu được 300 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, anh Hùng và các bạn biển thực hiện được 12 chuyến chụp mực ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, thu được hàng tỷ đồng.

Giống như ngư dân Trần Văn Hùng, nhiều chủ tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh cũng bám biển quanh năm nhờ tàu lớn, có đầy đủ thiết bị hàng hải hiện đại để ứng phó với thời tiết thất thường trong mùa biển động. “Nhờ phát huy tinh thần cần cù, chịu khó, ngư dân bám biển quanh năm, thu được sản lượng vượt trội so với mọi năm. Giá trị kinh tế thu được từ 3 nghề chủ lực là chụp mực, câu mực khơi, lưới vây rất cao so với năm trước” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

Triển khai cơ chế vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ, đến nay, ngư dân Quảng Nam đã có được đội tàu hùng hậu với 60 chiếc, đi vào sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Ngoại trừ 13 tàu theo nghề lưới rê hỗn hợp gặp khó, 47 tàu còn lại đều thu được hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến vươn khơi có thời gian gần 20 ngày với chừng 15 lao động. Ông Lương Văn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực QNa-90039 cho biết, năm nay vừa được mùa lại được giá. Với 4 chuyến biển trong năm, tàu của ông thu được trung bình 40 tấn mực/chuyến biển/90 ngày. Năm nay, giá mực xà tăng đột biến, đạt mức 130 nghìn đồng/kg, ông Cam thu được tiền tỷ sau mỗi chuyến biển.

Trợ lực ngư dân

Toàn tỉnh hiện có 31 cơ sở đóng sửa tàu cá lớn, nhỏ. Bộ NN&PTNT đã công nhận 14 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá, 10 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá có công suất 400CV trở lên (9 cơ sở đóng tàu vỏ gỗ và 1 cơ sở đóng tàu vỏ thép), 4 cơ sở đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá có công suất 90 - 400CV. Nhìn chung, các cơ sở đóng, sửa tàu cá trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng các nhu cầu đóng, sửa tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của huyện đạt khoảng 50 nghìn tấn, vượt hơn gần 10 nghìn tấn so với năm 2016. Theo ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, thành quả đạt được có sự tiếp sức từ cơ chế tái cơ cấu nghề cá mà huyện đã triển khai trong 1 năm qua. Theo đó, huyện khuyến khích và hỗ trợ ngư dân cải tiến công nghệ bảo quản hải sản sau thu hoạch; mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên vận hành tàu vỏ thép; trợ giúp ngư dân ứng dụng các công nghệ mới để tăng năng lực sản xuất. Ông Nguyễn Văn Mau - Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Quan điểm của địa phương là phát triển nghề cá phải theo quy hoạch của tỉnh và của huyện, từng bước hiện đại hóa khai thác hải sản trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế thu được. Khu dịch vụ hậu cần nghề cá gồm cảng cá Tam Quang kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão tàu cá An Hòa khi hoàn thành sẽ tiếp tục là bệ đỡ giúp ngư dân giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm và có chỗ neo đậu tàu cá an toàn trong mùa bão lũ”.

Sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh năm 2017 đạt hơn 90 nghìn tấn là thành quả đáng kể. Nhiều cơ chế hỗ trợ đi vào cuộc sống đã giúp ngư dân có thêm động lực bám biển, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã giải ngân hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, gồm hỗ trợ nhiên liệu với mức tối đa 400 triệu đồng/4 chuyến biển/năm; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên; hỗ trợ ngư dân trang bị hệ thống liên lạc có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS. Đó là các hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã trực tiếp đến quan sát trạm bờ bố trí ở Chi cục Thủy sản Quảng Nam - nơi tiếp nhận các tin nhắn của ngư dân gửi về để làm thủ tục hỗ trợ và trực tiếp chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên triển khai hướng dẫn cho ngư dân xây dựng hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo quy định. Đồng thời ngành chức năng bố trí hoạt động 24/24 giờ của trạm bờ để dõi theo hoạt động của tàu cá trên các vùng biển xa qua xác định cụ thể tọa độ để kết hợp với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư hỗ trợ ngư dân khi cần thiết.

Theo baoquangnam.vn

Lượt xem:  731 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 26 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com