hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Người đưa rau Trà Quế vào siêu thị (27/10/2017)
Nếu không có nỗ lực của ông, có lẽ rau Trà Quế (Hội An) sẽ phải chật vật hơn nhiều mới gây dựng được tiếng vang lớn như bây giờ. Ông là người đặt nền móng để rau Trà Quế lên kệ ở các siêu thị, giúp nông dân nơi đây yên tâm về đầu ra của sản phẩm.
Ông Nguyễn Hoang (bên trái) là người góp công giúp rau Trà Quế sớm vào siêu thị từ năm 2005. Ảnh: Q.T
Ông Nguyễn Hoang (bên trái) là người góp công giúp rau Trà Quế sớm vào siêu thị từ năm 2005. Ảnh: Q.T

Người đầy tâm huyết với làng rau ấy là ông Nguyễn Hoang. Ở tuổi 64, ông vẫn đảm nhiệm lèo lái Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Hà, bởi sự tin tưởng của bà con nông dân cũng như kinh nghiệm trong việc quảng bá thương hiệu rau Trà Quế nức tiếng xưa nay.

1.Nói về Trà Quế bây giờ, người ta nghĩ ngay đến thương hiệu nông sản nức tiếng gần xa với hàng chục loại rau, củ, quả dân dã mà chất lượng. Về Trà Quế, tản bộ từ đầu thôn đến cuối xóm hỏi ông Hoang nông nghiệp thì không ai không biết. Ông tên đầy đủ là Nguyễn Hoang, một người con quê hương Cẩm Hà đã “ăn, ngủ” cùng với ngành nông nghiệp xã nhà ngót nghét 40 năm nay. Chúng tôi liên hệ nhưng lúc thì ông bảo bận đi kiểm tra ruộng lúa, khi thì khảo sát bờ kênh. Nhưng khi nghe đề cập về chuyện làng rau Trà Quế, ông Hoang hào hứng cho biết: “Bây giờ nông dân Trà Quế sướng hơn hồi xưa nhiều rồi, vừa trồng nông sản, vừa làm du lịch lại thêm dăm hộ kinh doanh quán ăn, chỗ nghỉ”. Cũng lời ông Hoang, hồi trước năm 2004, rau ở đây thắc thỏm lắm, nhất là 30 tết hàng năm rau bán không hết các mẹ, các chị phải đổ từng rổ xuống sông Hội An rất xót xa. Trước cảnh “nhà ai nấy trồng” thiếu hiệu quả, đến năm 2004, khi TP.Hội An tiến hành phục hồi làng nghề, di dời nhà cửa, cải tạo lại diện tích sản xuất thì vùng sản xuất chuyên canh mới mở rộng được khoảng 8ha, góp phần quan trọng trong sự “lột xác” của làng rau Trà Quế.

Có điều kiện canh tác tập trung và hỗ trợ thêm về nhiều mặt của một số tổ chức phi chính phủ nhưng nỗi lo thường trực của rau Trà Quế dạo ấy vẫn là đầu ra. Bởi lâu nay, rau trong làng vẫn chỉ loanh quanh ở Hội An và một số chợ trong tỉnh. Lúc này, ông Hoang mới nhớ đến một người bạn đang làm ở bộ phận thu mua của siêu thị Metro tại TP.Hồ Chí Minh. Sẵn dịp may, Metro đang xúc tiến mở siêu thị tại Đà Nẵng vào đầu năm 2005, ông Hoang liền lặn lội ra Đà Nẵng tiếp xúc với đại diện siêu thị thông qua lời giới thiệu từ người bạn này. Quá trình để rau Trà Quế được lên kệ siêu thị lần đầu cũng không dễ dàng. Sau nhiều lần vào tận nơi thử mẫu nước, mẫu đất, tồn dư bảo vệ thực vật, hơn một tháng sau rau Trà Quế mới vượt qua vòng kiểm tra để ký hợp đồng trong sự phấn khởi của nông dân. Thời gian đầu, mỗi ngày Metro Đà Nẵng nhận nhập 300kg rau Trà Quế và hầu như tiêu thụ sạch nhẵn.

Từ sự khởi đầu hanh thông này, việc được người tiêu dùng Đà Nẵng biết đến rộng rãi là yếu tố quan trọng để siêu thị Big C và Co.opMart Đà Nẵng tiếp tục đặt vấn đề hợp tác với làng rau Trà Quế. Cũng chính ông Hoang với vai trò là Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Cẩm Hà lại tiếp tục kết nối “cung - cầu” giúp hàng trăm ký rau mỗi ngày tiếp tục lên kệ tại hai siêu thị trên vào các năm 2007 và 2008. “Ở đây cũng do may mắn phần nhiều thôi, với lại trời cũng phú cho địa hình, thổ nhưỡng vùng đất này thuận lợi nên rau Trà Quế được người tiêu dùng tin tưởng chứ mình cũng không tài cán gì” - ông Hoang khiêm tốn bộc bạch. Hiện nay, mỗi ngày trung bình rau Trà Quế xuất khoảng 1 tấn rau, củ, quả vào các hệ thống siêu thị tại TP.Đà Nẵng.

2. Bây giờ rau Trà Quế không còn phải chật vật kiếm đầu ra cho nông sản nữa mà phải tìm cách cân bằng sản lượng sản xuất được cho các địa điểm thu mua, nhất là khoảng thời tiết bất lợi. Ông Hoang cũng cho biết, trước đây siêu thị Thuận Thành (TP.Huế) và Co.opMart Tam Kỳ có đặt vấn đề với HTX Nông nghiệp Cẩm Hà để tiêu thụ rau Trà Quế nhưng được một thời gian ngắn thì buộc phải dừng lại do sợ thiếu rau, vỡ hợp đồng. Ông Hoang chia sẻ thêm, mới đây có đơn vị ban quản lý một khu công nghiệp ở Quảng Ngãi ra đặt vấn đề cần cung cấp 800kg rau/ngày nhưng ông Hoang đành khước từ bởi tìm đâu ra rau chính hiệu Trà Quế cho đủ mà cung cấp.

Chính ông Hoang cũng sáng tạo ra một cách làm khá đặc biệt đối với việc tiêu thụ rau Trà Quế là thành lập các tổ tự quản để phân công người trực tiếp thu mua, sơ chế rồi vận chuyển nông sản đến trực tiếp các siêu thị. Từ 1 tổ thí điểm đầu tiên thành lập với 25 hộ vào năm 2005, đến nay tại thôn Trà Quế đã có 3 tổ hoạt động rất quy củ. Qua đó, giúp người dân biết được chính xác dao động về giá, lợi nhuận thu được hàng ngày. Được biết, ông Hoang là người quản lý trực tiếp chi phí mà các siêu thị chuyển về, sau đó trực tiếp thanh toán lại cho các tổ trưởng của các tổ rồi tùy theo vị trí mà hưởng chiết khấu. Bà Nguyễn Thị Thanh - phụ trách Chi hội phụ nữ thôn Trà Quế là tổ trưởng của một tổ hoạt động theo hình thức này cho biết, ở thời điểm ban đầu, rất nhiều hộ dân địa phương chưa tin tưởng về mô hình này nên muốn độc lập trong canh tác và tiêu thụ. Nhưng dần dần theo thời gian, họ nhận ra lợi ích thực sự của mô hình rồi tự nguyện tham gia ngày càng đông.

Dù đã ở vào tuổi 64, con cái mấy bận khuyên cha nghỉ ngơi nhưng ông vẫn chưa thể về hưu. Bởi cây rau, ruộng lúa dường như gắn cuộc đời ông thành duyên, thành nghiệp. Theo ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, theo tuổi tác đáng ra ông Hoang nghỉ hưu từ năm 2014 nhưng anh em thuyết phục ký hợp đồng làm Phó ban Nông nghiệp xã thêm thời gian nữa, bởi sự cần mẫn và kinh nghiệm của ông.

Theo baoquangnam.vn

Lượt xem:  1,090 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 16 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com