|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ với ngư dân. Ảnh: N.Q.V |
Nhiều lo âu
Ngư dân Trần Công Chi (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu vỏ thép QNa-94989 có công suất 822CV chia sẻ: “Thời gian qua sản xuất gặp nhiều khó khăn. Chuyến biển của nghề lưới rê hỗn hợp được ít, lỗ nhiều. Lại thêm, tàu Trung Quốc tấn công, phá hoại vàng lưới, tổn thất gần 2 tỷ đồng. Tôi chữa cháy bằng cách chuyển sang nghề săn lươn biển nhưng cũng không khá hơn, bạn biển vội vàng bỏ đi lao động cho tàu khác. Để khắc phục khó khăn, Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam cho ngư dân vay không tính lãi suất là quá ưu việt. Tuy nhiên, cho vay 500 triệu đồng để chuyển nghề chỉ mới đáp ứng ¼ nhu cầu. Mong tỉnh tăng thêm mức cho vay, giúp ngư dân xoay xở; chính sách bảo dưỡng tàu vỏ thép cũng cần sớm triển khai, chứ không thì nhanh xuống cấp”.
Các ngư dân lo ngại luồng lạch biển Cửa Đại (TP.Hội An) ngày càng bị bồi lấp thêm, tàu cá bị mắc cạn, gãy chân vịt, hỏng máy, hư be tàu. Âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) không đảm bảo neo đậu cho tàu công suất lớn. Cả khu vực phía bắc của tỉnh chỉ có bến cá nhỏ, ngư dân phải đến bán cá ở cảng Thọ Quang (TP.Đà Nẵng) vừa bất tiện vừa bị ép giá. Thời gian qua, tàu Trung Quốc lấn chiếm ngư trường, sản xuất rất khó khăn nhưng ngư dân lại không được ngân hàng thương mại cho vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất. “Mong ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ giúp ngư dân giảm bớt áp lực trả nợ. Nhiều ngư dân lao đao, đi làm thuê rất cực vì đã bán tàu để làm vốn đối ứng, rất mong tỉnh quan tâm. Rất nhiều ngư dân không được hỗ trợ dầu, rất mong tỉnh giải quyết” - ông Hồ Thanh Hưởng - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh nói.
Ông Huỳnh Thế Điểu - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cho rằng, chủ các tàu vỏ thép không biết xoay xở thế nào khi có bão vì Khu neo đậu tàu cá An Hòa (thuộc 2 xã Tam Quang và Tam Giang) không đảm bảo. Đầu ra hải sản rất bấp bênh. “Ngư dân lo lắng vì không được hỗ trợ nhiên liệu. Tàu Trung Quốc ngày càng manh động, tấn công ngư dân nên mong các lực lượng hỗ trợ” - ông Điểu nói.
Hỗ trợ ngư dân
Trao đổi với ngư dân, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, ngành giao thông đang khẩn trương nạo vét luồng lạch biển Cửa Đại. Tỉnh cũng đang tổ chức nạo vét luồng, mở rộng quy mô âu thuyền Hồng Triều kết hợp với xây dựng cảng cá lớn, đáp ứng cả nhu cầu neo đậu tàu cá lẫn ổn định đầu ra hải sản cho ngư dân. Tương tự, Khu neo đậu tàu cá An Hòa cũng sẽ được kiện toàn lại theo hướng khơi thông luồng và mở rộng quy mô. Về lâu dài, khu neo đậu này sẽ kết nối với Khu hậu cần dịch vụ nghề cá Tam Quang, tạo thuận lợi kép cho ngư dân neo đậu tàu cá đi đôi với tiêu thụ sản phẩm. “Từ nguồn vốn vay ưu đãi, toàn tỉnh có 13 tàu công suất lớn đang hành nghề lưới rê hỗn hợp không hiệu quả. Chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh tổ chức đánh giá toàn diện lại nghề này, bàn các giải pháp thiết thực, giúp ngư dân ổn định sản xuất” - ông Ngô Tấn nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, Quảng Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân tiếp cận các chính sách ưu đãi. Ngư dân chỉ cần gửi đủ 5 chứ không nhất thiết phải 7 tin nhắn về trạm bờ là được nhận hỗ trợ dầu. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT rà soát lại hoạt động của trạm bờ, máy bị nghẽn mạch thì phải nâng cấp ngay, phục vụ hỗ trợ dầu và cứu hộ, cứu nạn trên biển. Về bảo dưỡng tàu vỏ thép, UBND tỉnh giao ngành thủy sản triển khai nhanh, giúp ngư dân đảm bảo chất lượng tàu cá, sản xuất lâu dài trên biển. Đối với đề xuất nâng mức cho vay của Quỹ Hỗ trợ ngư dân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trả lời: “Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam đã thay đổi điều lệ để tiếp sức tối đa cho ngư dân, ví như cho vay để đầu tư kiêm nghề, đa nghề và phục vụ nhiều nội dung an sinh. Quỹ này hoạt động phi lợi nhuận và nguồn vốn quay vòng, ngư dân này trả nợ thì ngư dân khác mới có thể tiếp cận tiếp theo. Tỉnh đang vận động đóng góp của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, làm giàu thêm nguồn vốn để có thể tăng mức cho vay không lãi suất với ngư dân”.
An toàn chuyến biển
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho rằng, khi ra khơi, ngư dân phải tuân thủ luật pháp quốc tế, chỉ được sản xuất trên các vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, không được lấn sang các vùng biển nước bạn. Các tàu cá cần hoạt động theo mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để có thể nương tựa vào nhau, cùng phối hợp cứu hộ, cứu nạn trên biển khi không may có sự cố. “Khi bị tàu nước ngoài bắt giữ, ngư dân cần phải xác định ngay tọa độ vùng biển đó có thuộc chủ quyền của Việt Nam hay không. Nếu đúng thì tuyệt đối không được ký vào biên bản bắt giữ của tàu nước ngoài, thông báo ngay cho các lực lượng chức năng để có cơ sở đấu tranh qua đường ngoại giao” - Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Thượng tá Trần Lê Trang - Phó Tham mưu trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 cho rằng, nếu không may bị bắt giữ ngư dân phải thông báo đến ngành chức năng về tọa độ, lực lượng, tàu nước nào bắt giữ, hình thức ra sao. Tàu nước ngoài có hành vi đánh đập, tra tấn hay không và báo nơi giam giữ để cơ quan chức năng nước ta xử lý. Ông Bùi Tấn Nguyên - Giám đốc Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (TP.Đà Nẵng), nhắc nhở ngư dân nếu tàu cá gặp sự cố trên biển phải báo ngay để trung tâm điều tàu đến ứng cứu kịp thời. “Trong thời gian qua, có rất nhiều tàu cá gặp nạn trên biển. Chúng tôi sẽ điều tàu đến cứu trong bất kể hoàn cảnh nào, thời tiết khắc nghiệt ra sao, thời điểm ban ngày hay khuya khoắt” - ông Bùi Tấn Nguyên nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT
Theo Báo Quảng Nam