hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Sinh kế từ văn hóa (19/06/2017)
Chưa bao giờ, những phong trào văn hóa, hoạt động văn hóa cộng đồng lại trở nên sôi động như hiện tại. Một hướng đi mới, dựa vào khai thác các tiềm lực văn hóa của các địa phương, đã bắt đầu…
Sắp đặt thuyền thúng Tam Thanh - một hoạt động văn hóa cộng đồng dựa trên vật liệu và tập quán sản xuất của địa phương, được kỳ vọng sẽ làm nên một Ngôi làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh thu hút du khách. Ảnh: Lê Trọng Khang
Sắp đặt thuyền thúng Tam Thanh - một hoạt động văn hóa cộng đồng dựa trên vật liệu và tập quán sản xuất của địa phương, được kỳ vọng sẽ làm nên một Ngôi làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh thu hút du khách. Ảnh: Lê Trọng Khang

Kích hoạt cộng đồng

Với sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, người dân xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) vừa cho ra đời các mô hình quản lý, sinh hoạt ở ngôi làng bích họa Trung Thanh. Sau đó, người dân Tam Thanh tiếp tục hình thành một Câu lạc bộ Dân ca bài chòi. Thời gian qua, vùng biển ven đô Tam Kỳ này rất hào hứng nhận lãnh nhiều hoạt động được khởi xướng bởi các tổ chức nghệ thuật từ Nam chí Bắc. Lý giải về câu chuyện tìm tới Tam Thanh, bà Lê Diệu Ánh - chuyên gia phát triển đô thị và cộng đồng, Chủ nhiệm Dự án phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại xã Tam Thanh, cho rằng, việc kích thích cộng đồng tham gia các hoạt động, phong trào và tạo lập sinh kế từ chính những công việc này là quan điểm “phát triển đô thị không loại trừ” của thế giới. Tại xã Tam Thanh, hàng loạt hoạt động cộng đồng đã khởi xướng từ những tháng giữa năm 2016, và được tiếp nối bởi những người tâm huyết, đã tác động mạnh đến ý thức người dân. Diện mạo một địa phương ven biển thay đổi. Cơ sở hạ tầng, đường sá được nâng cấp, thì cũng từ đây, vấn đề cải thiện sinh kế người dân được nâng cao.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, làm nghệ thuật cộng đồng là hình thức đầu tiên mà nghệ sĩ góp phần cùng xã hội tạo nên một sinh kế bền vững cho người dân sở tại. Chị Mai Thị Kim (thôn Trung Thanh, Tam Thanh) cho biết, sau khi có làng bích họa, thu nhập một ngày của chị có thêm đôi phần từ “tiệm” giữ xe kiêm giải khát trước nhà. Chưa kể, các hoạt động từ đầu năm 2017 đến nay, gói ghém trong việc hình thành “Ngôi làng nghệ thuật cộng đồng” về lâu dài sẽ mở thêm hướng phát triển cho người dân nơi này. Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, trong đó chính người dân là chủ thể, với thế mạnh là bản sắc văn hóa của mình sẽ ngày càng khẳng định vị thế cho địa phương này, khi Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI vừa qua đã tạo nên rất nhiều cơ hội cho họ. Tam Thanh sẽ sớm kết nối với các địa chỉ du lịch nổi tiếng (quần thể tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, địa đạo Kỳ Anh...), như cam kết của chính quyền TP.Tam Kỳ để thu hút khách du lịch.

Hoạt động cộng đồng tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Cẩm Thanh - một điểm nhấn của không gian du lịch sinh thái khi địa phương này đưa các tour tuyến du lịch Cẩm Thanh vào chương trình bán vé. Ảnh: L.QUÂN
Hoạt động cộng đồng tại Nhà sinh hoạt cộng đồng Cẩm Thanh - một điểm nhấn của không gian du lịch sinh thái khi địa phương này đưa các tour tuyến du lịch Cẩm Thanh vào chương trình bán vé. Ảnh: L.QUÂN

Ở một vùng ven khác, khi du lịch trong vài năm trở lại đây đã tiến tới từng ngôi nhà, đã phần nào thúc đẩy chuyện làm các phong trào văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Tại không gian của Nhà sinh hoạt cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An) – vừa là nơi sinh hoạt tập trung vừa trở thành điểm nhấn của khu vực này khi đây là một công trình nghệ thuật với kiến trúc độc đáo. Công trình được xây dựng như một biểu tượng kết tinh các giá trị văn hóa và góp phần cải thiện sinh kế của cư dân địa phương, với ý tưởng thiết kế từ chính ngôi làng cùng những nguyên vật liệu quen thuộc. Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh là nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu và là không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Trong dài hạn, đây là trung tâm thử nghiệm nông nghiệp hữu cơ, tổ chức nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm canh tác. Dù chưa thể thấy được lợi ích với lợi nhuận thu được ngay trước mắt, nhưng về lâu dài, các mô hình sinh hoạt cộng đồng đang khởi đi rất nhiều tín hiệu về câu chuyện phát triển bền vững của địa phương… Ông Nguyễn Hai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam cho rằng, về lâu dài, Cẩm Thanh có rất nhiều thuận lợi để du lịch sinh thái phát triển mạnh hơn nữa, dù hiện tại khu vực này đang ở thời kỳ sôi động của ngành công nghiệp không khói.

“Hái tiền” từ văn hóa

Dưới góc độ một nhà quản lý văn hóa, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL - cho rằng, sự đóng góp của các hoạt động văn hóa cộng đồng trong tiến trình phát triển của một địa phương khá quan trọng. “Rất nhiều hoạt động cộng đồng đã cho thấy sự ảnh hưởng của nó với các lĩnh vực của địa phương. Khi một mô hình văn hóa tốt đẹp ra đời thì sẽ kéo theo đó là sự thu hút người dân, rồi tiến thêm một bước nữa là khách du lịch. Có khách tìm tới thì dịch vụ thương mại cũng từ đó mà đi lên” - ông Hài nói. Riêng ngành văn hóa, điều này đã mở ra rất nhiều cơ hội để hiện thực mục tiêu xã hội hóa các hoạt động văn hóa. Vài năm gần đây, có nhiều tín hiệu tích cực để nghĩ xa hơn về câu chuyện làm kinh tế từ văn hóa. Theo ông Hài, việc xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa lành mạnh trong một đất nước đang có sự chuyển mình về kinh tế, làm cho văn hóa có sự phát triển tương xứng với kinh tế không dễ. Ông Hài cho rằng, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn để khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa (ưu tiên đất đai, thuế, vốn) cộng với những quan tâm từ nhà nước vào các lĩnh vực, các vùng còn nhiều khó khăn. Bởi trong tương lai không xa, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm văn hóa sẽ tăng cao.

Khoảng vài năm trở lại đây, theo nhìn nhận của giới lữ hành cũng như các chuyên gia về phát triển thị trường, Quảng Nam đã tạo nên nhiều động lực để kích thích các nhà đầu tư chú trọng vào thị trường văn hóa. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư quốc tế muốn kiếm tìm cơ hội tổ chức sự kiện tại Hội An, như một cách để quảng bá tên tuổi cho doanh nghiệp của mình. Ở góc độ này, bà Trịnh Diễm Vy - Chủ tịch Công ty TNHH Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An, cho rằng, với riêng các liên hoan ẩm thực quốc tế đã từng diễn ra tại Hội An, hiệu quả của sự kiện là một chuyện mang tính sâu bền, khi hội tụ được các đầu bếp chuyên nghiệp trên toàn thế giới, thì uy tín của doanh nghiệp cũng như bản sắc của vùng đất sẽ được quảng bá. Cũng như vậy, ở một góc độ khác, ông Võ Phùng – Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An - cho biết, xã hội hóa các sự kiện văn hóa là một cách làm hiện đại, khi tính đến chuyện phát triển kinh tế bền vững từ bản sắc địa phương. Rõ ràng, Hội An đã tự mình làm nên một thị trường văn hóa để thu hút và làm nơi “đậu đỗ” cho rất nhiều sự kiện uy tín trong nước và quốc tế.

Và người dân Quảng Nam hoàn toàn có quyền kỳ vọng về một hướng phát triển mới cho địa phương mình, trên cơ sở thức dậy những tập quán, sinh hoạt bản địa thú vị - là nền tảng cho hàng loạt phong trào văn hóa có thể “hái ra tiền”.

LÊ QUÂN

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  833 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 50 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com