hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nghề lưới vây đổi ngư trường (12/06/2017)
Nghề khai thác hải sản chủ lực của ngư dân Quảng Nam là lưới vây đang chuyển đổi ngư trường sản xuất và thu được hiệu quả kinh tế cao trong vụ cá chính này.

Khoang tàu đầy cá

Đang mùa trăng nên các tàu khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam liên tục cập bờ. Tại các cầu cảng ở xã Tam Quang (Núi Thành), không khí mua bán cá diễn ra rất nhộn nhịp. Cá tươi được các ngư dân cẩn trọng thu vớt từ hầm lạnh đưa lên tàu. Trên bờ, các lao động nữ khẩn trương chuyển các sọt xuống tàu đựng cá, cân đếm. Ngư dân Phạm Thanh Nam (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành) - thuyền trưởng tàu cá QNa-91097 cho biết, chuyến biển rất đạt, 15 lao động thu được gần 15 tấn hải sản sau 10 ngày sản xuất. “Anh em trên tàu rất phấn khởi. Sản lượng hải sản đạt mà giá cá cũng tăng hơn trước nên hiệu quả khá cao. Đây là thành quả nổi bật nhờ chúng tôi quyết định chuyển đổi ngư trường sản xuất” - ông Nam nói. Ngày 5.6, tàu cá của ông Nam cập bờ lúc 6 giờ sáng thì đến 11 giờ trưa mới bán xong hải sản, chủ yếu là cá ngừ và cá nục. Ông Nam chia đều mỗi bạn biển được gần 8 triệu đồng, riêng thuyền trưởng kiêm chủ tàu thu nhập gần 100 triệu đồng. “Chúng tôi làm nghề lưới vây ngày ở ngư trường Hoàng Sa được hơn 10 năm nay. Chuyến biển đầu tiên của vụ cá chính chuyển sang ngư trường Trường Sa đem lại giá trị kinh tế cao” - ông Nam nói.

Tàu cá QNa-91097 cập bờ bán hải sản vào sáng 5.6. Ảnh: N.Q.V
Tàu cá QNa-91097 cập bờ bán hải sản vào sáng 5.6. Ảnh: N.Q.V

Hàng loạt tàu cá theo nghề lưới vây ánh sáng cũng cập bờ vào những ngày này. Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ đội tàu cá 4 chiếc cho biết, cũng là nghề lưới vây nhưng lưới vây ngày và lưới vây ánh sáng có phương thức sản xuất rất khác biệt. Lưới vây ngày có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm còn lưới vây ánh sáng chỉ có thể hoạt động vào ban đêm vì phải dùng đèn dẫn dụ cá. Theo nghề lưới vây ánh sáng lâu năm, ông Tạo chọn cách ra khơi bằng đội tàu nhiều chiếc để sản xuất thuận lợi, trong đó có các tàu lớn chuyên đánh bắt hải sản còn các tàu nhỏ đi theo làm hậu cần. Các đội tàu lưới vây ánh sáng của ông Tạo đều thu được sản lượng cao trong các chuyến gần đây. “Theo nghề lưới vây ánh sáng lâu năm, tôi có kinh nghiệm sản xuất là cần phải chuyển đổi ngư trường từ xa bờ sang tuyến lộng khi bắt đầu sang tháng 6. Vì đàn cá ngừ, cá nục phải vận chuyển theo dòng hải lưu nên mình cũng phải thay đổi để sản xuất hiệu quả” - ông Tạo nói.

Thích ứng với sản xuất

Ông Nguyễn Hữu Định - cán bộ phụ trách thủy sản của xã Tam Quang (địa phương có số lương lớn tàu cá theo nghề lưới vây) cho biết, đây là cao điểm của các nghề lưới vây. “Gió tây nam hoạt động mạnh, dòng chảy trên biển cũng thay đổi nên các đàn cá nục, cá ngừ cũng thay đổi hướng hoạt động. Vì thế, các nghề lưới vây ngày và lưới vây ánh sáng cũng phải thích ứng để sản xuất trên biển đạt hiệu quả. Bây giờ là cao điểm của vụ cá chính mà đánh bắt không hiệu quả thì xem như thất bại cho cả năm sản xuất” - ông Định nói. Hiện tại, Tam Quang có 142 tàu cá khai thác hải sản xa bờ, trong đó có đến 60 chiếc tàu theo nghề lưới vây ánh sáng và hơn 60 tàu theo nghề lưới vây ngày.

Đặc thù nghề biển ở địa phương này đã quy định nghề lưới vây ánh sáng bắt buộc phải sản xuất trên biển bằng đội tàu. Vàng lưới của nghề này rất dài, nặng, mắt lưới nhỏ. Mỗi mẻ lưới buông ra hoặc kéo về phải được thao tác bằng nhiều lao động trên cả 2 con tàu. Còn nghề lưới vây ngày, ngư dân sản xuất với vàng lưới đơn giản hơn, mắt lưới rất rộng, ra khơi chỉ với 1 tàu cá. “Từ thời điểm tháng 6 trở đi, gió trên biển sẽ mạnh lên, các tàu nhỏ khó đương đầu với sóng gió nên cả đội tàu lưới vây ánh sáng chuyển dần vào tuyến lộng hoạt động. Tuyến lộng vào thời điểm đó có rất nhiều cá ngừ, cá nục nên chuyển từ ngư trường Hoàng Sa vào đây là rất phù hợp. Còn nghề lưới vây ngày, từ tháng 6 đến cuối năm, cá ít hoạt động quanh các rạn ở ngư trường Hoàng Sa mà chuyển dần vào bờ, hoạt động trên tầng nổi nên ngư dân cũng phải chuyển ngư trường vào tuyến lộng hoặc quanh vùng biển Trường Sa” - ông Định cho biết.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, việc chuyển đổi ngư trường khai thác hải sản của ngư dân theo nghề lưới vây trong vụ cá chính đã cho thấy tính năng động, nhạy bén trong lựa chọn ngư trường sản xuất. “Để tiện quản lý hoạt động của tàu cá, ngành thủy sản đã phân chia các vùng biển thành nhiều tuyến xa bờ, tuyến lộng và ven bờ. Việc phân chia đó nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác hải sản của ngư dân. Bởi vậy, chúng tôi khuyến khích ngư dân tự do lựa chọn vùng biển hoạt động hiệu quả nhất có thể, trừ việc tàn phá nguồn lợi và đa dạng sinh học ở tuyến bờ” - ông Ngô Tấn nói.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  883 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 35 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com