hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Ra khơi mùa biển động (24/10/2016)
Mùa biển động đã đến, cũng là lúc khởi động vụ cá bắc (từ ngày 1.10 đến 31.3.2017). Ngư dân và các lực lượng chức năng của tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.

Vững vàng ra khơi

Trừ những thời điểm gió bão hoạt động mạnh, ngư dân Quảng Nam vẫn đều đặn sản xuất trên các vùng biển xa từ khi bắt đầu vụ cá bắc đến nay. Lão ngư Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ đội tàu đánh bắt hải sản xa bờ lên đến 7 chiếc cho biết, lúc thời tiết thuận lợi là các ngư dân trong đội tàu đều ra khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trong điều kiện khai thác hải sản khó khăn của vụ cá bắc, các thiết bị liên lạc tầm ngắn, tầm trung và tầm xa đều được các thuyền trưởng bật lên để đón nhận thông tin từ các đài duyên hải bố trí khắp miền Trung cũng như từ các tàu đánh bắt hải sản khác, qua đó chủ động ứng phó, hạn chế sự cố. Nếu đánh bắt ở ngư trường Trường Sa, ngư dân rất yên tâm vì ở đây được Nhà nước xây dựng nhiều khu neo đậu tàu cá an toàn. Khi vào neo đậu tàu cá ở đảo Song Tử Tây hay Trường Sa Lớn, ngư dân sẽ được các lực lượng trên đảo hỗ trợ tối đa, sử dụng nước ngọt miễn phí, bán hải sản và thu mua nhiên liệu bằng với giá ở đất liền.

Ngư dân neo buộc tàu cá tránh gió bão. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân neo buộc tàu cá tránh gió bão. Ảnh: N.Q.V

Nếu bắt buộc phải về đất liền từ Trường Sa, ngư dân phải điều khiển tàu trong vòng 2 đêm, 1 ngày. Sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa, ngư dân vất vả hơn vì nơi đây không có khu neo đậu tàu cá. Ngư dân chỉ có 2 cách để tránh trú bão là đưa tàu tránh xa khu vực có bão hoạt động và đưa tàu về đất liền. “Chúng tôi rất ít khi lựa chọn phương án tránh xa vùng hoạt động của bão vì rất nguy hiểm. Khi hoạt động, bão luôn có khuynh hướng đổi chiều nên rất khó để ứng phó. Vậy nên chúng tôi luôn ngóng thông tin dự báo thời tiết qua sóng radio, hễ nghe bão hoạt động là điều tàu về đất liền ngay. Từ Hoàng Sa về đất liền tốn 2 ngày, 2 đêm” - ông Huỳnh Minh Cảnh nói.

Ở vụ cá bắc, hầu như mọi ngư dân đều sẵn sàng ứng phó sự cố, hạn chế tai nạn. Chỗ dựa của ngư dân giữa biển cả muôn trùng chính là tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và nghiệp đoàn nghề cá. Họ tự giác, tự nguyện tham gia để hỗ trợ lẫn nhau khi sự cố xảy ra như chết máy, mất lái. Hiện nay, trong tổng số tàu cá gần 600 chiếc được UBND tỉnh công nhận hoạt động trên các vùng biển xa, hầu hết đều hoạt động trong tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Mô hình này không chỉ giúp ngư dân liên kết, hỗ trợ nhau trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ mà còn hợp tác, vận chuyển sản phẩm để tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhờ có quy chế hoạt động rõ ràng, các tổ, đội đoàn kết đã phát huy thế mạnh, phòng chống thiên tai hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là 16 tổ lưới vây ngày ở xã Tam Quang, 14 tổ câu mực khơi ở xã Tam Giang, 8 tổ lưới vây ngày ở xã Tam Hải (Núi Thành), 21 tổ lưới vây ở xã Bình Minh, 7 tổ lưới vây ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình), 5 tổ lưới rê ở xã Điện Dương (thị xã Điện Bàn) và 5 tổ lưới quét ở xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên).

Sẵn sàng hỗ trợ

Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (thôn An Hải Đông, xã Tam Quang) kiểm soát tàu cá ra vào cửa An Hòa, quản lý đội tàu của 3 xã Tam Hải, Tam Quang và Tam Giang (Núi Thành) với tổng cộng 168 tàu cá có sự tham gia của 2.904 ngư dân. Thượng tá Nguyễn Văn Búp - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá và ngư dân khi xuất bến luôn được tiến hành chặt chẽ, tạo điều kiện giúp họ đảm bảo an toàn khi sản xuất trên biển. Ở mùa biển động này, 2 máy thông tin liên lạc (1 đặt ở Đồn Biên phòng và 1 đặt ở Trạm kiểm soát biên phòng An Hòa) sẽ hoạt động hết công suất, mở tần số 24/24 giờ để trợ giúp ngư dân ứng phó với thiên tai. Theo đó, các thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới sẽ luôn được cập nhật qua hệ thống thông tin trong cả nước, cung cấp đến ngư dân và hướng dẫn ngư dân di chuyển phương tiện tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tổ chức 4 lần cứu hộ, cứu nạn cho 4 tàu cá của ngư dân bị hỏng máy, đưa phương tiện vào cảng An Hòa an toàn. Công tác hướng dẫn ngư dân đưa lao động nghề biển đi cấp cứu, sơ cứu cũng duy trì thường xuyên. Trong vụ cá bắc này, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để hỗ trợ ngư dân chủ động ứng phó với sự cố trên biển” - Thượng tá Nguyễn Văn Búp nói.

Sở NN&PTNT cho biết, sẽ rà soát lại số lượng tàu cá của các nghề để nắm bắt tình hình sản xuất, ngư trường hoạt động trong vụ cá bắc, qua đó trợ giúp ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả và an toàn. Ngành thủy sản sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, các địa phương ven biển để cập nhật thông tin, trao đổi, có phương án cụ thể, phù hợp với từng tình huống, giúp ngư dân và phương tiện ứng phó với thiên tai. Công tác theo dõi diễn biến ngư trường, nguồn lợi để dự báo ngư trường có thể cho sản lượng khai thác hải sản lớn luôn được cung cấp đến ngư dân. Cùng với đó là tiếp tục khẩn trương triển khai các cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là nhiên liệu để ngư dân sản xuất thuận lợi. “Trong vụ cá bắc này, chúng tôi càng tăng cường kiểm tra máy móc, giúp cho ngư dân đảm bảo an toàn kỹ thuật của tàu cá khi ra khơi. Công tác trực ban phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, các khu neo đậu cho tàu cá cũng được quán xuyến, giúp ngư dân neo đậu phương tiện vững vàng, tránh trú bão thuận lợi” - ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói. Đại tá Đào Hồng Nghiệp - Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 cho biết, đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, lương thực, thuốc men, nhiên liệu để tiếp cận, giúp đỡ ngư dân khi có tình huống xấu trên biển.

Theo baoquangnam.vn

Lượt xem:  510 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 243 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80 120 160 200 240
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com