hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Níu giữ làng nghề tre đan (19/10/2016)
Ký ức của những người dân ở Tiên Phước, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ… vẫn còn lưu hình ảnh người dân làng nghề tre đan Phú Ninh với những chiếc xe đạp chở các loại nông cụ tre đan như nong nia, thúng mủng… len lỏi khắp ngõ xóm thôn. Hiện nay, những người dân ở Phú Thịnh vẫn giữ nghề, giữ hồn cốt một vùng quê….

Mai một làng nghề

Nông nhàn, ông Nguyễn Thanh Bình ở khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, vừa ngồi đan những cái trạc (chuyên dùng để đựng phân bón chở ra ruộng) vừa trông chừng cháu ngoại. Ông bảo: “Làng nghề này nghe đâu có tuổi vài trăm năm; tôi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ rảnh rỗi lại cắp tre, lạt ngồi đan. Tôi lớn lên cũng theo cha đi chặt tre, vót lạt, đan lát. Năm nay tôi 55 tuổi, chắc cầm tre cũng tầm 40 năm rồi”. Theo chị Đặng Thị Mỹ Lệ - cán bộ phụ trách công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại dịch vụ thị trấn Phú Thịnh, ngoài việc đan lát lúc rảnh rỗi, ông Bình còn đi quanh xóm thu gom sản phẩm tre đan để đem bán. “Thời ấy, người bán trái cây thích mua những chiếc sọt của bà con trong làng nghề về đựng vì nó chắc chắn, giá cả phải chăng. Lúc đó, có đêm ông Bình thu gom cả ngàn cái sọt của bà con quanh xóm. Tôi hay đi khảo sát nên nghe mọi người kể lại” - chị Mỹ Lệ nói thêm. Từ khoảng năm 2005 trở về sau, những chiếc sọt rổ bằng nhựa được sản xuất đại trà, giá cả lại rẻ hơn nên những chiếc sọt tre đã không còn là lựa chọn của những người buôn trái cây, buôn cá. Những người làm nghề ở làng nghề tre đan Phú Thịnh dần bị thất thế.

Người dân Tam Vinh, Phú Thịnh còn giữ nghề tre đan.Ảnh: C.T.A
Người dân Tam Vinh, Phú Thịnh còn giữ nghề tre đan.Ảnh: C.T.A

Sự chiếm lĩnh của những vật dụng bằng nhựa vốn trước đây là của tre đan khiến nghề tre đan Phú Thịnh, Tam Vinh ngày càng mai một. Những sản phẩm chủ lực của làng nghề tre đan ở Phú Ninh như nong nia, rổ rá, cót, rế, sọt... thường phục vụ nhu cầu của nông nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp. Nhưng nay nhu cầu của các ngành trên đã được ngành công nghiệp nhựa đáp ứng gần như 100%. Ông Nguyễn Văn Hoạch (60 tuổi, khối phố Tam Cẩm) vừa đan sọt vừa nói: “Hơn chục năm trước, lúc nông nhàn là nhà nhà vót tre, đan sọt, đan nia. Đan từ trong nhà ra tới tận ngoài đồng. Bây giờ chỉ còn những người già như tui mới ngồi tỉ mẩn vót, đan chứ tụi trẻ có sức khỏe đi làm hết rồi, không mấy ai làm như tui đâu”. Theo những người lớn tuổi ở làng nghề Phú Thịnh, các công ty xí nghiệp về tới tận nơi tuyển dụng những người trẻ khỏe đi làm ở các công ty, xí nghiệp… công việc ổn định, lại được hưởng các điều kiện an sinh, phúc lợi xã hội. “Hiện nay cả thị trấn Phú Thịnh có 132 hộ kinh doanh cá thể và một hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, sản xuất trong thời gian nhàn rỗi, sau vụ sản xuất hoặc vào mùa cao điểm là dịp cận Tết Nguyên đán với thu nhập bình quân mỗi người 1,5 triệu đồng/tháng. Nếu xác định nghề đan tre để hỗ trợ thêm thu nhập, phụ mua mắm muối hàng ngày thì không sao nhưng sống dựa hẳn vào nghề này thì e hơi khó”, ông Đoàn Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thịnh nói.

Tìm cách cứu nghề

Theo chân chị Đặng Thị Mỹ Lệ đi tham quan các khối phố có người làm nghề tre đan, chúng tôi cảm nhận những khó khăn, trăn trở của người làm nghề cũng như cơ hội mà làng nghề tre đan Phú Ninh có được. Khó khăn lớn nhất là giá thành sản phẩm hiện nay khá thấp, như nong chỉ có giá 60.000 đồng/cái, rế là 2.000 đồng/cái, rổ cá 35.000 đồng/đôi… Trong khi đó, một người làm cả tuần chỉ được 4 cái nong, 3 tấm cót, còn rổ rá là 2 cái/ngày. Trang thiết bị chưa được cải tiến, công nghệ sơ chế nan tre đến các công đoạn khác và hoàn thành sản phẩm chủ yếu bằng dụng cụ thô sơ. Đã có rất nhiều đoàn khảo sát của các cơ quan chức năng đến tìm hiểu tình hình thực tế của làng nghề để mong đưa ra một hướng đi đúng đắn. Nhưng làm thế nào để đảm bảo cho bà con có thu nhập, trợ sức cho làng nghề, bảo tồn văn hóa, vừa phát triển kinh tế địa phương, là câu hỏi còn để ngỏ? “Sản xuất những mặt hàng khác có thể đối mặt với rác thải, khí thải độc hại và các loại ô nhiễm khác như tiếng ồn nhưng với nghề này hoàn toàn không có. Nguồn rác thường được người dân gom đốt để nấu ăn, khí thải hoàn toàn không độc hại. Rác thải sinh hoạt được người dân thu gom, xử lý rác theo hướng tích cực”, ông Đinh Long Toàn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, cho hay.

Trong thời gian tìm hiểu các khối phố thuộc làng nghề tre đan Tam Vinh, Phú Thịnh, hình ảnh dễ thấy là những lão nông xoay trần ngồi vót tre, đan rổ. Những hình ảnh đẹp này cũng là một yếu tố để làng nghề được tìm hiểu và dự tính phát triển du lịch của huyện Phú Ninh. Hiện nay các ngành của huyện như văn hóa, du lịch, nông nghiệp và Sở VH-TT&DL đang phối hợp xây dựng đề án phát triển du lịch. Và làng nghề tre đan Phú Ninh là một trong những  điểm dừng chân trong đề án phát triển du lịch. “Những tuyến du lịch làng nghề kết hợp với tổ chức cho du khách thử tay nghề tại làng nghề tre đan kết hợp du lịch nông nghiệp, du lịch về cội nguồn... là mong ước của những người tâm huyết với làng nghề tre đan lão thành như chúng tôi” - ông Nguyễn Thanh Bình, nói. Được biết, thời gian qua huyện chỉ mới đầu tư được đường vào làng kết nối trục giao thông chính do OPEC tài trợ với số tiền 1,5 tỷ đồng, kè bờ sông La Ngà nối với đường làng nghề với kinh phí 3,1 tỷ đồng. Rõ ràng, để hiện thực hóa phát triển làng nghề và du lịch tre đan Tam Vinh, Phú Thịnh cần có sự phối hợp từ nhiều ngành, nhiều cấp.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  787 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 242 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80 120 160 200 240
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com