Theo ông Phan Hùng Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam, lâu nay, bà con nông dân chủ yếu trồng chuối bằng cách tách mầm chuối từ cây mẹ trong vườn rồi nhân rộng ra trồng. Với phương pháp này, chất lượng cây giống không đảm bảo và đồng đều, dễ bị thoái hóa dẫn đến sức sinh trưởng, năng suất, chất lượng giảm sút, hiệu quả thấp. Còn phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật là công nghệ nuôi cấy mô tế bào và các cơ quan hoàn toàn sạch các vi sinh vật trên môi trường dinh dưỡng nhân tạo trong điều kiện vô trùng. Đây là hướng đi mới trong việc cải thiện giống. Theo đó, các cây chuối có năng suất cao, sinh trưởng tốt được lấy mẫu tuyển chọn và đưa vào phòng thí nghiệm để nhân giống, nuôi cấy trong phòng vô trùng rồi chuyển sang nuôi trong điều kiện nhân tạo. Quá trình có thể kéo dài khoảng 7 tháng để tạo ra sản phẩm. Tốc độ nhân giống theo phương pháp này có thể được thực hiện với số lượng rất lớn lên đến hàng trăm nghìn cây một lúc và có thể thực hiện quanh năm.
|
Vườn chuối ông Dương Minh Thập (Quế Long, Quế Sơn) cho trái khoảng 10 nải 1 buồng. Ảnh: T.M |
Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam đã đầu tư hỗ trợ nông dân trồng khảo nghiệm ở các huyện Quế Sơn, Nông Sơn với quy mô 1ha. Thông qua 2 lần tập huấn, bà con đã nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản trong quá trình sản xuất giống chuối nuôi cấy mô. Các hộ tham gia tập huấn đầy đủ với tinh thần nghiêm túc, xem đây là cơ hội để trao đổi, tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc chuối nuôi cấy mô. Sau khi trồng, trung tâm tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu kỹ thuật chuối nuôi cấy mô và có báo cáo khoa học.
Vườn ông Dương Minh Thập - Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Trung Thượng (Quế Long, Quế Sơn) có khoảng 100 cây chuối. Ông Thập cho biết, để trồng chuối hiệu quả thì phải chuyên cần tưới nước với chu kỳ 1 tuần 1 lần. Giống chuối cấy mô ưa chuộng đất sét. Nếu ở trong điều kiện phù hợp này thì cho kết quả cao hơn. Chuối nuôi cấy mô phải được trồng theo đúng kỹ thuật, cây cách cây, hàng cách hàng 2,5m. Hố được đào theo tỷ lệ 40 - 40 – 40, đảm bảo vừa rộng vừa sâu. Nông dân khi bón phân trồng cây thường lấy lớp đất mặt để ra ngoài và trộn với phân cho xuống dưới. Khi trồng, một lớp đất rất nhẹ được lấp lên trên lớp phân để tránh rễ tiếp xúc trực tiếp lên lớp phân. Việc bảo vệ cây chuối mẹ bằng cách tỉa cây chuối con thì chỉ cần xắn ngang đầu vào buổi trưa để tránh đọng nước vào cây vừa xắn và gây nhiễm khuẩn.
Vườn ông Doãn Bá Trợ ở thôn Trung Thượng (Quế Long, Quế Sơn) cũng có khoảng 100 các loại chuối lùn, chuối mốc. Mỗi buồng đều được ông đánh số nải cẩn thận để tiện theo dõi, kiểm tra khi chăm sóc và thu hoạch. Ông chia sẻ: “Những người đã từng ăn qua loại chuối này thì có thể cảm nhận được mùi vị thơm ngon. Trên thực tế, khi chuối cấy mô đem ra trồng khảo nghiệm thì hơn 90% đã ra quả với số lượng hơn 10 nải 1 buồng, đạt tỷ lệ mà chuối truyền thống chưa bao giờ có”. Ngoài ra, ưu điểm nổi bật của phương pháp nuôi cấy mô là tạo ra giống cây sạch đẹp và tương đối đồng đều về mặt di truyền. Giống chuối cấy mô phát triển tốt, ra hoa hàng loạt, chín tập trung, thuận lợi cho việc thu hoạch, tiêu thụ trong thời gian ngắn, tránh tổn thất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian sinh trưởng của cây chuối cấy mô ngoài thực tế rất nhanh, chỉ 10 tháng là ra hoa kết quả, sớm hơn chuối trồng bình thường từ 2 - 3 tháng và sạch bệnh, nhất là những bệnh liên quan đến vi rút và nấm. Khi giống cây trồng được tạo ra với số lượng lớn thì có độ đồng đều cao và giữ nguyên vẹn đặc tính sinh học, đặc tính kinh tế của cây bố mẹ.
Hiện nay, ngoài mô hình trồng chuối cấy mô, nhiều loại cây trồng khác cũng đang được ấp ủ từ phòng thí nghiệm chờ ngày đem ra phục vụ cộng đồng.
BÙI THANH MINH
Theo Báo Quảng Nam