hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tác phẩm Báo chí quốc gia 2015: Dồn điền, đổi thửa - xây dựng nông thôn mới (21/07/2016)
Tác phẩm Báo chí quốc gia 2015: Dồn điền, đổi thửa - xây dựng nông thôn mới ​

Bài 1: 300 ha ruộng bị bỏ hoang


“Cả thôn gần 9.000 hộ dân chỉ yếu sống bằng nông nghiệp, giờ dồn điền, đổi thửa dang dở, ruộng chưa được chia cho dân, nên đã hai vụ ruộng bỏ hoang. Những hộ già yếu, không có sức khỏe thì chỉ biết ra đồng bắt cua, cá kiếm sống qua ngày…”- ông Hải, một nông dân thôn Yên Nội than thở.

Công cuộc đổi mới trong nông nghiệp, đặc biệt với việc ra đời Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 giao đất ổn định, lâu dài cho nông dân đã tạo nên động lực lớn cho người nông dân làm chủ đồng ruộng, yên tâm sản xuất. Nước ta từ chỗ đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, việc chia đất, khoán hộ theo Nghị định 64/CP đã để lại những bất cập như ruộng đất manh mún, khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, nâng cao năng suất, gây khó khăn cho chính người nông dân. Bởi vậy đã hàng chục năm nay, nhất là từ việc triển khai chương trình nông thôn mới, các địa phương đã tiến hành và tích cực dồn điền, đổi thửa.

Dù công tác dồn điền, đổi thửa gặp không ít khó khăn, cùng những bất cập do nhiều nguyên nhân, nhưng đến nay đa số các địa phương đã hoàn thành tốt công tác dồn điền, đổi thửa. Qua thực tế cho thấy, việc dồn điền, đổi thửa đã đem lại những hiệu quả tích cực. Bộ mặt nông thôn, đồng ruộng đã được thay đổi, thuận lợi cho sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, đó đây vẫn có những địa phương còn những tồn tại, gây khiếu nại kéo dài do cách làm, cách tuyên truyền, thậm chí xuất phát từ tiêu cực, tham nhũng.

Từ số báo này, Đại Đoàn Kết có một số bài viết, phản ánh, nhìn nhận vấn đề này, những mong góp một tiếng nói chung vào việc hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

DDDT-1.jpg
300 ha ruộng ở thôn Yên Nội bỏ hoang nhiều tháng qua.

Dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, được người dân ủng hộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh không ít vấn đề phức tạp ở một số địa phương. Thậm chí có chuyện người dân không nhận, bỏ không cấy lúa hàng trăm ha “bờ xôi, ruộng mật” màu mỡ, chỉ vì chưa thông. Thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội là một ví dụ.

Bi kịch nông dân bỏ cấy 

Trong những ngày này, ở mọi vùng quê trên khắp các cánh đồng, nông dân đang tấp nập chăm sóc lúa, hoặc chuẩn bị vụ thu hoạch vụ mùa bội thu. Thế nhưng,  kỳ lạ thay tại thôn Yên Nội (Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có đến 300 ha ruộng màu mỡ đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Theo tìm hiểu, nơi đây đang là một trong những tồn tại, trong công tác DĐĐT, do chính quyền cơ sở cấp thôn và xã làm sai trong quá trình thực hiện.

 Được biết, từ năm 2014, xã Đồng Quang bắt đầu triển khai DĐĐT. Ban đầu người dân đã rất đồng tình với chủ trương lớn này. Tuy nhiên, theo người dân thôn Yên Nội, trước khi thực hiện DĐĐT, thôn chỉ họp dân 3 buổi. Khi phương án chưa được dân đồng thuận thì thôn và xã đã vội đưa máy về múc ruộng, làm kênh mương thủy lợi.

Do chưa có thiết kế nên khi triển khai, đơn vị thi công đã phá vỡ toàn bộ mặt bằng ruộng, đồng ruộng biến thành bãi đất nham nhở. Hệ thống kênh mương nội đồng cũ bị phá vỡ thay vào đó là hệ thông kênh mương thủy lợi nội đồng mới bất hợp lý, không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Theo bà con nông dân, tại cuộc họp, bà con đều nhất trí với chia khoảng giữa của các thửa ruộng với nhau rộng 50m, nhưng thôn, xã lại chia ruộng lên thành 100m, dẫn đến thửa rộng và dài khác nhau, rất khó canh tác. 

Một việc nữa khiến người dân bức xúc, đó là tại khu ván Đông –Tây có hàng chục mẫu ruộng thuộc diện chân cao cần cải tạo lại. Thế nhưng lợi dụng điều này, chính quyền đã thuê máy xúc về múc đất ruộng sâu đến hàng mét để lấy đất màu đi bán. Đáng ra, đúng quy trình họ phải múc một lớp đất màu ở bên trên, rồi múc đất thịt ở bên dưới đi sau đó trả lại phần đất màu cho các chân ruộng để người dân canh tác. Hiện số ruộng trên đã biến thành những chiếc ao nước ngập mênh mông.

Cũng theo người dân, ở ô ruộng 12, thôn và xã còn tự ý múc 4 cái ao trên đất 2 lúa để lấy đất đắp bờ. Trong khi đó theo hợp đồng, đất đắp đường là đất đổ, nhưng khi thi công, đa số múc đất ruộng lên đắp, khiến mặt ruộng biến thành thùng vũng không thể cấy lúa được.

 Ngoài ra, người dân cho hay, lợi dụng chủ trương DĐĐT chính quyền xã đã tự ý bán 2,7 mẫu ruộng của 17 hộ dân ở khu đồng Đụn cho một doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái mà không họp bàn với dân. Dân chỉ biết khi doanh nghiệp tiến hành san lấp mặt bằng. Mặt khác, chính quyền thôn và xã giấu diện tích đất, không chia hết đất cho dân canh tác.

Trước sự thiếu dân chủ, làm sai quy định của chính quyền cơ sở, người dân Yên Nội đã phản đối bằng cách kiên quyết không nhận ruộng và không cấy lúa. Thậm chí, có thời gian người dân còn lập các lán trại trên cánh đồng, các lối dẫn vào cánh đồng để phản đối và yêu cầu ngành chức năng làm rõ những tiêu cực trong DĐĐT ở đây.

Trong quá trình tìm hiểu sự việc tại thôn Yên Nội, hình ảnh xót xa chúng tôi bắt gặp là cánh đồng ruộng mênh mông từng là “vựa” lúa của huyện Quốc Oai nay thành đồng cỏ hoang. Những kênh mương, bờ ruộng đang đào bới be bét, nham nhở. Từ đầu xóm đến cuối xóm, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh người dân bàn tán về những tiêu cực xung quanh việc DĐĐT. Rồi những câu chuyện về khó khăn của hàng nghìn hộ nông dân trong thôn khi có ruộng mà không thể cấy.

 “Cả thôn gần 9.000 hộ dân chỉ yếu sống bằng nông nghiệp, giờ DĐĐT dang dở, ruộng chưa được chia cho dân, nên đã hai vụ ruộng bỏ hoang. Người nào có sức khỏe thì đi làm thuê, làm mướn có tiền đong gạo chứ những hộ già yếu, không có sức khỏe thì chỉ biết ra đồng bắt cua, cá kiếm sống qua ngày…”- ông Hải, một nông dân thôn Yên Nội than thở.

Theo người dân Yên Nội, vụ chiêm xuân và vụ mùa năm 2015 thôn Yên Nội không gieo cấy lúa, ước tính thiệt hại lên tới 32.000 tấn lúa. 

Vì đâu nên nỗi?

Đem những thắc mắc gặp chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Vũ Hồng Toàn- Chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) thừa nhận, việc 300 ha ruộng của bà con đã bỏ hoang 2 vụ lúa là có thật. Nói về công tác DĐĐT ở thôn Yên Nội, ông Toàn cho rằng, có sai phạm.

Chính vì vậy, chính quyền xã đã cho Bí thư chi bộ thôn Yên Nội, Trưởng thôn Yên Nội nghỉ công tác. Các lãnh đạo xã (cũ) gồm Bí thư Đảng ủy xã, Phó Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã cũng vừa bị cách chức và cho nghỉ việc vì liên quan đến những sai phạm nêu trên. Ông Toàn mới lên giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Đồng Quang nên giải quyết tồn tại của khóa cũ gặp rất nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền vận động rất vất vả vì dân chưa hoàn toàn tin tưởng. 

  DDDT-2.jpg
Ông Vũ Hồng Toàn - Chủ tịch UBND xã Đồng Quang.

 “Để giải quyết vấn đề nêu trên, chúng tôi sẽ tiến hành công khai dân chủ, để dân họp bàn và thống nhất. Cái nào chưa hợp lý thì sẽ điều chỉnh với phương châm nhân dân và chính quyền cùng làm và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Chúng tôi đang phấn đấu đến 25/12/2015 sẽ chia xong ruộng và tiến hành gieo cấy…”- ông Toàn khẳng định.

Trước việc 300 ha ruộng bỏ hoang qua hai vụ gieo cấy trong khi người dân “than” thiếu đói và gặp muôn vàn khó khăn, ông Vũ Hồng Toàn lại nói rằng, việc dân bỏ hoang ruộng không cấy lúa  không ảnh hưởng gì đến đời sống. Theo ông Toàn, thu nhập chính của người dân Yên Nội chủ yếu từ nghề thợ nề. Mỗi một năm nghề thợ nề đem thu nhập cho nhân dân Yên Nội tiền tỷ. Còn nghề làm nông, đem lại thu nhập không đáng kể nên người dân không mấy mặn mà với đồng ruộng.

Tuy nhiên, ông Toàn cũng khẳng định trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội địa phương, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chiếm tới 45% đến 55% nên đương nhiên nó ảnh hưởng đến quy mô sản xuất, kinh tế của địa phương. Đây là thiệt thòi lớn cho người dân và thiệt thòi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương.

 

Bài 2: Phải đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng khi dồn điền đổi thửa

Chuyện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ở thôn Đồng Quang (Quốc Oai- Hà Nội), khiến người dân phải bỏ ruộng cũng chỉ là một trong những điển hình cho những khó khăn cho công tác này. Thực tế cho thấy, ở đâu việc thực hiện DĐĐT đảm bảo đúng quy định, dân chủ, công khai, công bằng thì ở nơi đó thuận lợi. Tuy nhiên cũng không ít nơi, mặc dù chính quyền có nhiều cố gắng, song cũng không ít khó khăn nảy sinh...

 

DDDT-3.jpg
Ở đâu việc thực hiện DĐĐT đảm bảo đúng quy định, dân chủ,
công khai, công bằng thì ở nơi đó thuận lợi.

 

Chỉ vì quyền lợi cá nhân

Với người nông dân, hơn ai hết, họ hiểu rất rõ, rất sâu về mảnh ruộng của mình. Cũng hơn ai hết, họ hiểu tác dụng tốt của việc dồn điền, đổi thửa. Nhưng như chính những người nông dân tâm sự: “Bao nhiêu nhát cuốc, nhát nào chẳng cuốc vào lòng”. Cái sự tự tư, tự lợi, tiểu nông luôn thường trực. Không ít trường hợp đã nhất trí việc dồn điền đổi thửa, đã gắp thăm nhận ruộng, nhưng khi rút thăm phải mảnh ruộng xấu, ruộng ở xa hơn chân ruộng cũ thì phá bĩnh.

Cũng có chuyện như một cụ bà ở Hà Nam không nhận ruộng chỉ vì mảnh ruộng mới dù tốt nhưng lại rơi vào mảnh ruộng của người em. Cụ  không nhận vì chỉ cho rằng, cấy ruộng tốt của chị, rồi sẽ phát sinh mâu thuẫn. Lại không ít trường hợp cãi vã, tranh chấp, mất tình cảm chỉ vì sau khi phân định địa điểm, người ở lỳ không chịu đi, cứ sản xuất trên mảnh ruộng cũ, còn người mới đã nhận ruộng thì kiên quyết rằng, ruộng của mình được chia thì mình cứ làm...

Với cá nhân người dân đã vậy, mâu thuẫn, bức xúc sẽ càng tăng khi bắt nguồn từ cái sai của cán bộ chính quyền thôn, xã. Thực tế tại các địa phương cho thấy sai phạm, vi phạm chủ yếu vẫn là từ các cấp thôn, nơi trực tiếp thực hiện việc dồn điền, đổi thửa. Cũng chính cấp thôn là những người gắn bó, hiểu hơn ai hết về các thửa ruộng xấu, tốt. Cán bộ thôn cũng có lắm mối quan hệ anh em, họ hàng, gia đình... Và rồi nhiều khi, vì quan hệ, vì tư lợi cho cá nhân, cho nhóm cá nhân, người thân, họ đã phá vỡ nguyên tắc, quy định...

Cũng lại từ việc dồn điền, đổi thửa, nhiều vi phạm, sai phạm trước đó của cán bộ địa phương bị phát giác. Việc xử lý, giải quyết nếu không triệt để thì mâu thuẫn, bức xúc lại nhân lên. Người dân dù biết chống đối là vi phạm, nhất là việc bỏ ruộng càng vi phạm, rất đau xót, thiệt hại trước hết là chính mình. Tuy nhiên như những người trong cuộc tâm sự: “cực chẳng đã, không còn cách nào khác”, họ phải chọn cách này.

Thiếu công khai, công bằng, dân chủ

Với hiện tượng bỏ ruộng, không nhận ruộng với những lý do khác nhau có thể nói nơi nào cũng có. Ngay ở Hà Nội, ngoài Quốc Oai, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín) người dân cũng từng bỏ hoang hàng chục ha đến 3 vụ lúa. Sai phạm của các lãnh đạo thôn, xã trong việc DĐĐT cũng lắm dạng. Người dân thôn Bằng Sở, xã Ninh Sở (Thường Tín, Hà Nội) từng tố lãnh đạo thôn này tự ý cắt xén đất của dân. Huyện này đã phải dừng việc dồn điền đổi thửa để kiểm tra.

Ở thôn Trung Lập, xã Tri Trung , huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ông trưởng thôn bị tố đánh tráo ruộng xấu nhà mình cho một hộ dân khác. Hộ dân bị tráo ruộng đã quyết không nhận ruộng, bỏ hoang đến 2 vụ liền...Tại xã Cổ Đô, huyện Ba Vì vào tháng 9-2013 thì từng xảy ra xô xát, cãi vã giữa hàng trăm người dân với cán bộ ban dồn điền, đổi thửa. Lý do người dân đưa ra là chính quyền xã, Ban chỉ đạo xã đã làm sai nguyên tắc và quy định hướng dẫn của Sở NN&PTNT Hà Nội, xây dựng đề án sai, không rà soát hộ, khẩu được giao đất theo NĐ 64/CP, không thông báo công khai, đầy đủ... Cũng lại chuyện cũ bị dân lôi ra, rằng lãnh đạo xã một thời để cấp dưới bỏ ngoài sổ sách hàng tỷ đồng, hàng chục tấn thóc, nhiều mẫu đất bị chuyển đổi trái pháp luật.v.v.

Người dân ở thôn Liên Trì (Quốc Oai) thì đã rất bức xúc khi cán bộ trong ban DĐĐT và HTX được nhận nhiều ruộng tốt. Lý do có những tiểu xảo như cố tình nâng hệ số K lên cao, hay đưa những vùng đất tốt vào loại đất xấu rồi tự nhận...

Hà Nội được coi là nơi thực hiện chương trình DĐĐT, xây dựng NTM khá nhanh, thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm, đầu tư cho công tác này. Những khó khăn, vướng mắc như trên đã từng bước được giải quyết. Chỉ trong hơn 2 năm (từ tháng 5/2012 đến tháng 12/2014), thành phố đã thực hiện DĐĐT được trên 75.965 ha/ 76.365 ha, đạt 99,48% kế hoạch. Tuy nhiên đến nay, Hà Nội cũng vẫn còn những nơi có những khó khăn, phức tạp như ở Đồng Quang (Quốc Oai).

Giải quyết phải hợp tình, hợp lý

Nguyên tắc của việc dồn điền đổi thửa phải dựa trên sự tự nguyện, dân chủ, công khai, công bằng. Việc giải quyết những bất cập cũng phải xuất phát từ đây. Tuy nhiên, cũng không ít nơi, khi xảy ra sự cố, chính quyền địa phương lại dùng biện pháp “ép” khiến sự vụ rối càng thêm rối, hoặc lại đẩy dân ra xa hơn. Chuyện có nơi ép đảng viên nhận trước, những hộ còn lại thì đe nếu không nhận ruộng thì không được ký xác nhận khi xin giấy tờ, xác nhận vay ngân hàng... Nhiều hộ nhận ruộng xong vẫn ấm ức trong lòng.

Và rồi có nơi như ở Nam Định, chồng nhận ruộng, vợ không thông, hai bên cãi vã, chồng đánh vợ đến phải nhập viện. Cũng từ việc triển khai nhiều khi không đúng chủ trương, không dân chủ, công khai, công bằng, nên hệ lụy, kết quả cũng không được như mong muốn. Có nơi có hộ đang sản xuất 2 mảnh ruộng, khi dồn điền, đổi thửa lại tăng lên 3 mảnh. Có cụ già ruộng đang ở gần, đổi lại ruộng xa hơn...

Đành rằng, thật khó có thể để đảm bảo công bằng tuyệt đối. Đặc biệt khi đất đai được giao cho người dân lâu dài, người dân coi trọng phần đất của mình, trong khi giá trị mảnh đất lại phụ thuộc vào vị trí, chất đất. Không ít mảnh ruộng cạnh đường quốc lộ, liên huyện, liên xã mà tương lai, vị trí có thể hái ra vàng. Và rồi vì cái sự tư lợi, người ta đã sinh ra đủ mánh khóe để kéo cái lợi về mình.

Để giải quyết mọi vấn đề phát sinh, yêu cầu phải thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn, công khai, dân chủ, công bằng. Đặc biệt là việc xử lý nghiêm minh những sai phạm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân hiểu, đồng thuận, cùng biết “hy sinh” vì cái chung, vì quyền lợi của xã hội.    

Kiên Long

 

Bài 3: Dồn điền, đổi thửa - Thành công từ sự đồng thuận

Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) được xem là việc khó khăn, phức tạp bởi tác động, liên quan đến lợi ích của nhiều hộ nông dân. Trong quá trình giải quyết, qua kinh nghiệm tại một số địa phương cho thấy: Ở đâu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao, công tâm; người dân được bàn bạc dân chủ, nắm rõ mục đích, có sự đồng thuận, ở đó thực hiện thành công DĐĐT…

 

 DDDT-4.jpg
Mô hình đào ao thả cá kết hợp trồng cây dược liệu hình thành sau
DĐĐT giúp nhiều hộ nông dân ở Hải Hậu làm giàu.

 

Hiệu quả từ dồn điền

Dẫn chúng tôi ra thăm đồng, ông Nguyễn Đức Thắng, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban CTMT xóm 9, xã Hải Hà (Hải Hậu, Nam Định) phấn khởi cho biết: 4 năm qua, kể từ khi thực hiện xong dồn điền, nông dân địa phương đã thực hiện sản xuất đồng trà, đồng giống. Đặc biệt, theo ông Thắng, sau dồn điền, sức lao động của nông dân địa phương đã được giải phóng rất nhiều trong khi năng suất, hiệu quả sản xuất nâng lên.

“Bà con giờ không cấy nữa mà chuyển sang gieo xạ. Các khâu làm đất, thu hoạch đã có máy móc thay người đảm nhiệm, nhờ vậy bà con có thời gian làm thêm một số ngành nghề, dịch vụ để có thêm thu nhập”, ông Thắng cho hay.  

Theo ông Phạm Văn Chiến-Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, DĐĐT là khâu đầu tiên, có tính đột phá, Hải Hậu chỉ đạo thực hiện khi triển khai xây dựng NTM. Theo đó, ngay từ năm 2011, có 35/35 xã, thị trấn của huyện đã hoàn thành việc dồn đổi trên 15.600 ha đất nông nghiệp. Đến nay, bình quân số thửa canh tác trên hộ của huyện chỉ còn 1,9 thửa/hộ, cơ bản khắc phục được tình trạng ruộng đất nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Chiến cũng cho hay, ngoài giảm đáng kể số thửa canh tác/hộ, qua dồn điền, huyện đã kết hợp quy hoạch được các vùng sản xuất. Theo đó, toàn bộ diện tích đất canh tác của huyện hiện được quy hoạch thành 405 vùng, có vùng rộng tới 108 ha.

Cùng với đó, huyện kết hợp tập trung, quy hoạch lại toàn bộ diện tích đất công vốn nằm rải rác ở các xứ đồng thành 321 vùng (giảm 185 vùng so với trước đây). Đặc biệt, qua dồn điền, huyện đã vận động nông dân trong huyện góp tổng cộng 345 ha đất (góp bình quân 11,5m2/sào). Qua đó, huyện mở rộng, nâng cấp được 1.165 tuyến đường chính ra đồng với tổng chiều dài 772km…

Đất canh tác được dồn đổi theo hướng tập trung hơn, hạ tầng phục vụ sản xuất kiện toàn, đồng bộ hơn, máy móc, kỹ thuật được ứng dụng nhiều hơn đã giúp nông dân Hải Hậu tổ chức được nhiều mô hình sản xuất mới mang lại giá trị thu nhập cao hơn. Theo đó, diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa của huyện hiện chiếm trên 15% diện tích.

Đặc biệt, mấy năm qua, huyện đã phối hợp với một số cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp xây dựng được vùng trồng cây dược liệu rộng tới 640 ha, tập trung trồng cây đinh lăng. Việc sản xuất được tổ chức theo phương thức cơ quan nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật, nông dân tổ chức trồng, chăm sóc, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Theo mô hình này, giá trị sản xuất tại diện tích trồng cây dược liệu của huyện đang đạt từ 300-400 triệu đồng/ha/năm…

Được biết, không riêng huyện Hải Hậu, đến nay đa số các địa phương của tỉnh Nam Định đã hoàn thành DĐĐT, 167/209 xã, thị trấn; 2832/3009 thôn, đội hoàn thành công tác này…

Bài học từ phát huy dân chủ

Điều gì khiến Nam Định trong một thời gian không dài đã cơ bản hoàn thành được một việc quan trọng nhưng khó như DĐĐT? Ông Đặng Xuân Hùng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh lý giải: Trước hết Nam Định nhận thức rõ DĐĐT thực chất là cuộc vận động nhân dân tự nguyện chuyển đổi diện tích vị trí đất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình từ nhiều thửa nhỏ ở các khu vực khác nhau thành thửa lớn phù hợp với vùng sản xuất theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM.  Do vậy, DĐĐT chỉ có thể thành công khi có sự tham gia chủ động, trách nhiệm của người dân. 

Xác định rõ yêu cầu này, theo ông Hùng, thời gian qua cả hệ thống chính trị ở Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các hộ dân thực hiện chủ trương lớn quan trọng này. Một số nguyên tắc được Nam Định chú trọng, đó là phương án DĐĐT phải tuân thủ theo Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật; DĐĐT không phải là chia lại ruộng đất, do vậy quá trình thực hiện cần giữ nguyên định mức, tiêu chuẩn ruộng đất của mỗi người dân. 

Cũng theo ông Hùng, Nam Định xác định quá trình thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết phải dồn điền phải đi trước một bước. “Do tâm lý không muốn xáo trộn ruộng đất đang canh tác, sợ ảnh hưởng tới lợi ích nên ban đầu một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý thờ ơ, không muốn tham gia thực hiện DĐĐT. Việc tuyên truyền do vậy rất quan trọng”, ông Hùng nhìn nhận.

Chính vì vậy, theo ông Hùng, thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở Nam Định, trong đó có đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác này, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền, MTTQ cấp cơ sở-nơi trực tiếp thực hiện các khâu, các bước DĐĐT. 

Thực tế cho thấy, DĐĐT là việc rất dễ phát sinh xung đột, mâu thuẫn. Nguyên nhân, như đã đề cập, việc này liên quan đến lợi ích của nhiều hộ nông dân. Mặt khác, thực tế đồng đất ở nhiều địa phương không đồng đều, chênh lệch về hiệu quả sản xuất. Tâm lý hơn thua khiến nhiều hộ dân không dễ đồng thuận trong quá trình dồn đổi, phân chia. Công tác quản lý hồ sơ địa chính ở một số địa phương lâu nay thiếu chặt chẽ, đất thực địa không khớp với hồ sơ địa chính cũng là nguyên nhân dễ làm nảy sinh các vấn đề phức tạp, mâu thuẫn, xung đột lợi ích...

Để khắc phục được tình trạng này, tránh những xung đột, gây mất an ninh nông thôn, trước hết đòi hỏi sự chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở phải sát sao, khoa học, công tâm. Các khâu điều tra, khảo sát, tính toán phân chia của cán bộ chuyên môn cũng phải khoa học, tỷ mỷ, chính xác. Đặc biệt, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định, quá trình thực hiện hầu hết các địa phương trong tỉnh đã chú trọng, áp dụng Quy chế dân chủ, công khai, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đóng góp ý kiến.

Chia sẻ thêm về sự đồng thuận của nông dân Nam Định trong quá trình thực hiện DĐĐT, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, qua dồn điền, nông dân trong tỉnh đã góp, hiến tới hơn 3.000 ha đất nông nghiệp, đất thổ cư phục vụ xây dựng NTM. Theo tính toán, nếu diện tích đất trên không phải do người dân góp, hiến mà phải thu hồi phục vụ chỉnh trang đồng ruộng thì số tiền Nhà nước đền bù, hỗ trợ theo chính sách hiện hành sẽ lên tới 6.616 tỷ đồng.

“Điều này thêm một lần nữa cho thấy, không riêng DĐĐT, bất cứ việc gì, dù khó nhưng có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân cũng sẽ thành công. Việc một số ít địa phương trong tỉnh Nam Định nói riêng và một số nơi khác nói chung để xảy ra mâu thuẫn, vướng mắc trong DĐĐT thời gian qua chính là do vi phạm nguyên tắc dân chủ, không nhận được sự đồng thuận của nhân dân” - ông Đặng Xuân Hùng nhìn nhận.

 

Bài cuối: Dồn điền đổi thửa - Xây dựng nông thôn mới - Đột phá để phát triển

Với Chương trình xây dựng nông thôn mới, việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đã được coi là khâu đột phá. Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ, thành công từ DĐĐT đã tạo cú hích cho việc xây dựng nông thôn mới. Cũng từ đây đã manh nha nhiều mô hình cho việc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn như những Cánh đồng mẫu lớn, HTX kiểu mới...

 

 DDDT-5.jpg
​Từ công tác dồn điền đổi thửa  thành công, việc đầu tư và tổ chức lại
sản xuất của các nông hộ tốt hơn. (Ảnh: T.L).

 

Sáng dần con đường phát triển 

Từ việc khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, sau khi thí điểm những mô hình khoán mới như ở Vĩnh Phú (cũ), Hải Phòng, sau Chỉ thị 100/CT-TƯ ngày 13/1/1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm (khoán 100), ngày 5/4/1988 Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 10-NQ/TW “Về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” (khoán 10).

Từ vụ mùa năm 1988, các địa phương đã tiến hành giao đất nông nghiệp, khoán sản phẩm cuối cùng đến hộ xã viên. Người nông dân đã tích cực đầu tư sản xuất trên phần diện tích được nhận khoán. Sản lượng lương thực đã không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ được thời gian giao khoán, diện tích đất giao khoán theo lao động còn tồn tại nhiều bất cập, sau đó, sản xuất có phần chững lại, có không ít hộ sản xuất nông nghiệp đã trả ruộng ra cho HTXNN hoặc thậm chí bỏ hoang đất.

Năm 1993, cùng với Luật Đất đai ra đời (có hiệu lực ngày 15-10-1993), ngày 27/9/1993 Chính phủ đã có Nghị định 64/CP quy định giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài cho hộ nông dân.

 Theo Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64/CP người nông dân được giao đất ổn định đến 20 năm. Tuy nhiên, việc giao đất kế thừa, dựa trên việc giao ruộng khoán 10, dẫn đến tình trạng ruộng đất manh mún. Các hộ nông dân có từ 3-5 mảnh ruộng, thậm chí có nơi, có hộ có đến hơn 10 mảnh. Bên cạnh đó, việc quản lý đất công ích ở xã, thôn lỏng lẻo, phát sinh nhiều tiêu cực.

Bởi vậy, ngay từ năm 2000 nhiều địa phương đã tiến hành DĐĐT. Quá trình DĐĐT đã gặp không ít khó khăn. Chỉ khi có Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với sự quyết tâm của Đảng, chính quyền các địa phương, sự hỗ trợ của Nhà nước, việc DĐĐT mới được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng, trở thành khâu đột phá cho Chương trình xây dựng NTM. 

Bước đột phá

Ngày 4/6/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trước đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.

Mục tiêu Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch...Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng, gồm 11 nội dung. Trong đó, nội dung Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã nêu rõ việc Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư...

Đặc biệt tăng cường công tác khuyến nông; đẩy nhanh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp...Nội dung cũng nêu rõ việc phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã...

Từ công tác DĐĐT thành công, việc đầu tư và tổ chức lại sản xuất của các nông hộ tốt hơn, người nông dân tăng cường thâm canh và ứng dụng tốt tiến bộ kỹ thuật vì quy mô thửa đất được nâng lên. Công tác DĐĐT đã từng bước khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất từ đó tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng giao thông, thuỷ lợi...

Đến những mô hình, hướng đi tích cực

Chỉ trong 2 năm xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội đã thực hiện DĐĐT 290 ha canh tác, nhất là chỉ còn 1 thửa/ hộ. Vấn đề phức tạp trong DĐĐT được xã giải quyết trước hết bằng cách tuyên truyền tốt cho việc giữ nguyên định suất về số nhân khẩu và định suất đất theo quy định từ năm 1993; các ruộng xấu được thống nhất chuyển thành khu VAC. Sau DĐĐT hơn 200 ha ruộng đã được quy hoạch thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, trên 50 ha ruộng trũng được triển khai thành vùng sản xuất VAC.

Mô hình những cánh đồng mẫu lớn này cũng đang được triển khai ở khắp các tỉnh, thu được nhiều kết quả khả quan. Cánh đồng mẫu lớn ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi mới triển khai từ vụ Đông Xuân 2013-2014 là một ví dụ. Sau 3 năm DĐĐT ở 5 đội sản xuất, thuộc 5 khu dân cư, 730 hộ đã cùng tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn hơn 150 ha đất. Các tiến bộ KHKT đã được ứng dụng, từ máy cày, bừa, gặt đập liên hợp.Việc chăm bón, sử dụng thuốc trừ sâu đều theo các quy định kỹ thuật cao. Kết quả ban đầu năng suất lúa mỗi vụ đã tăng từ 5- 10 tạ/ ha. 

Ô nhiễm môi trường, việc chạy theo lợi nhuận, thiếu sự dẫn dắt để sinh ra những sản phẩm nông nghiệp ô nhiễm đã và đang là mối lo đáng báo động của sản xuất nông nghiệp của người tiêu dùng. Với việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, với việc đầu tư giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài như áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp của Nhật Bản vào Việt Nam đang được thực hiện tại một số tỉnh như Thái Bình và một số tỉnh phía Nam. Sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao đang là một nhu cầu thiết yếu để xuất khẩu ra các thị trường trong nước cũng như nước ngoài, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.

Sau DĐĐT, sản xuất đã được cơ giới hóa, người nông dân được chuyển giao, nâng cao tay nghề, kỹ thuật, công việc cũng nhàn hơn, hiệu quả cao hơn. Cũng từ những vướng mắc và những bài học trong DĐĐT, người ta cũng nghĩ đến việc cần đổi mới các mô hình, như cần xây dựng các HTX kiểu mới với cách quản lý khoa học, hiệu quả.

Khi nông dân cùng góp ruộng, đóng góp cổ phần xây dựng tập thể, sẽ hình thành những cánh đồng mẫu lớn, hay các khu VAC hiện đại,  tạo thuận lợi cho sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa cho tiêu thụ sản phẩm. Sẽ không còn chuyện suy bì ruộng xấu, ruộng tốt, đồng xa, đồng gần, nơi gần mặt đường hay nơi đồng xa, chân ruộng cao hay ruộng trũng; không còn việc bỏ ruộng, chuyển ruộng cho người khác cấy tạm. Cùng với xây dựng NTM, con đường hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang mở rộng cho nền nông nghiệp nước nhà.    

Kiên Long​

 

Lượt xem:  855 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 207 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100 140 170
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com