hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Lót gạch men để... nuôi heo (18/03/2016)
Chuyện anh Kiều Văn Phẩm (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) lót gạch men để nuôi heo đã gây ngạc nhiên cho nhiều người. Tuy nhiên, cách nuôi heo của anh Phẩm đang cho thấy hiệu quả cao và nhiều người bắt chước làm theo.

Thử sức…    

Với những kiến thức mình học được tại Trường Đại học Nông lâm Huế, năm 2011, anh Phẩm mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại lớn, nuôi 70 con heo, trong đó có 10 con heo nái. Thời gian đầu, anh đầu tư nuôi theo mô hình đệm lót sinh học nhưng không thành công vì heo thường bị các bệnh về đường hô hấp và khớp. Số lượng heo trong đàn tụt giảm nhiều. Hơn nữa, diện tích đất nhà anh lại khá nhỏ, chuồng heo phải đặt gần nơi sinh hoạt của gia đình, việc nuôi heo theo hình thức đệm lót sinh học gây ô nhiễm không chỉ với nhà anh mà còn với hàng xóm. “Nhiều lúc mình nghĩ, diện tích đất nhỏ như thế này, người trong nhà đi ra đi vào còn thấy chật, lại nuôi heo với số lượng nhiều thì đúng là khó trăm bề. Lúc đó, hàng xóm và ba mẹ đều gây áp lực và khuyên mình bán heo tìm hướng mới. Nhưng đã lỡ vay tiền đầu tư, giờ bỏ tất cả, mình cam không được” - anh Phẩm tâm sự.

Mô hình nuôi heo lót gạch men của anh Phẩm được nhân rộng trên địa bàn xã Duy Nghĩa. Ảnh: P.V
Mô hình nuôi heo lót gạch men của anh Phẩm được nhân rộng trên địa bàn xã Duy Nghĩa. Ảnh: P.V

Điều khiến anh gặp khó khăn nhất là phải giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ chuồng trại. Anh kể, một lần đi dự tiệc mừng nhà mới của người bạn, vừa bước vào, anh Phẩm trầm trồ khen: “Nhà chật nhưng nhờ lót gạch men nên nhìn thoáng mát quá!”. Ngay đúng lúc đó, anh nghĩ đến… chuồng heo nhà mình. Nếu chuồng cũng được lót gạch men thì chắc chắn cũng sẽ sạch sẽ. Thế là anh Phẩm mang ý tưởng của mình tham khảo với mọi người trong vùng nhưng ai cũng xem đó như một điều không tưởng. Bởi vì nuôi như vậy, sức đề kháng của con heo sẽ rất yếu và móng heo cũng không thể ma sát với nền gạch men nên rất dễ bị trượt và gãy chân. Nhưng anh vẫn quyết làm, tiếp tục vay mượn tiền, đầu tư gần 20 triệu đồng mua gạch men lót nền cho các chuồng và xây thêm 3 hầm biogas. Từ đó, mỗi ngày anh làm vệ sinh 2 lần. Chuồng trại lúc nào cũng sạch sẽ. Người nhà và hàng xóm xung quanh không còn than vãn về vấn đề ô nhiễm nữa. Anh Phẩm chia sẻ: “Lúc đầu, đúng là heo có bị trượt ngã nhưng về sau nó trở nên quen dần. Đối với heo nái đang có chửa thì tách riêng ra nuôi trong chuồng kín, hạn chế đi lại để tránh trường hợp bị sẩy thai”.

Hiệu quả cao

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quang – Phó ban Nông nghiệp xã Duy Nghĩa cho biết: “Hình thức lót gạch men chuồng trại để nuôi heo bắt đầu nổi lên từ khoảng cuối năm 2013, người sáng tạo ra là anh Kiều Văn Phẩm. Kiểu chăn nuôi này đã mang lại hiệu quả cao, hơn nữa còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Sắp tới, chúng tôi sẽ khuyến khích người dân nuôi heo quy mô lớn chuyển sang hình thức này để nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Kể từ ngày lót gạch men cho chuồng, đàn heo của anh Phẩm không còn bị bệnh như trước nữa, chúng tăng trưởng rất nhanh và lúc nào cũng thèm ăn. Một ngày, đối với heo nhỏ, anh phải mất 2kg bột/con. Đối với heo trên 20kg, anh cho ăn 5kg bột/ngày/con. Nếu nuôi theo kiểu truyền thống hoặc nuôi dưới hình thức đệm lót sinh học, phải mất 5 - 6 tháng thì lứa heo con mới có thể xuất chuồng. Nhưng với chuồng được lót gạch men, không chỉ bệnh tật được giảm thiểu mà heo còn ăn mạnh nên chỉ mất khoảng 3 tháng là có thể đạt chuẩn xuất chuồng. Thời gian được rút ngắn như vậy nên mỗi năm, nếu tranh thủ, anh Phẩm có thể xuất chuồng được gần 4 lứa heo. Chỉ tính riêng trong lứa heo đầu tiên kể từ lúc lót gạch men cho chuồng, anh xuất bán 30 con và thu về 45 triệu đồng. Sau mỗi lần xuất chuồng, anh cho tổng vệ sinh và tiếp tục đầu tư mua thêm heo. Đến nay, anh có tổng cộng gần 300 con heo thịt và 30 con heo nái. Thu nhập một năm của anh đã lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hiệu quả từ cách làm của anh Phẩm nhanh chóng được nhiều người tìm hiểu. Nhiều người đến nhà anh vì tò mò và muốn học hỏi. Chị Võ Thị Năm (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) khi vừa bước vào chuồng heo của anh Phẩm đã tỏ ra bất ngờ và thích thú. Anh Phẩm đã tận tình chia sẻ những kinh nghiệm, từ việc xây chuồng theo hướng nào để tránh gió vì nền gạch men vốn đã lạnh và đặt khay thức ăn tự động ở vị trí nào để đảm bảo vệ sinh… Bắt đầu nuôi heo dưới hình thức lót nền gạch men từ năm 2014, đến nay đàn heo của chị Năm đã lên đến hơn 100 con, trong đó có 25 con heo nái. Thu nhập của chị cũng được cải thiện. Không riêng gì chị Năm mà hiện nay, trên địa bàn xã Duy Nghĩa đã có 11 hộ dân nuôi heo theo hình thức lót nền gạch men. Trong đó, nổi bật là anh Kiều Văn Sáu với hơn 200 con.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,293 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 17 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com