hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xã nghèo vượt khó (18/09/2015)
Qua 7 năm thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, đời sống của người dân Đại Sơn - xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Đại Lộc, từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 83,84% xuống còn 29,61%.

Đổi thay

Đại Sơn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của huyện Đại Lộc, hiện còn trên 29,61%. Do địa hình cách trở, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thương mại - dịch vụ kém phát triển… nên bài toán xóa đói giảm nghèo đối với Đại Sơn rất nan giải. Có thời kỳ, Đại Sơn được gọi là xã “4 không” (không đường, không điện, không trường học, không trạm y tế). Những năm 2006 - 2008, Đại Sơn được hỗ trợ từ Chương trình 135, từ đó nhiều công trình được đầu tư. Ông Nguyễn Văn Tuân - Bí thư Đảng ủy xã cho hay, mỗi năm, từ nguồn vốn 135, Đại Sơn tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập của người dân và đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Giai đoạn 2006 - 2014, trong tổng số 7 tỷ đồng hỗ trợ từ nguồn 135 xã mua cây con giống cấp phát cho người nghèo phát triển kinh tế gia đình. Gần 3 năm trở lại đây, chương trình hỗ trợ, cấp phát bò giống cho hộ nghèo đã tạo ra đàn bò của xã 100 con. Không chỉ trao sinh kế cho người nghèo, cũng từ nguồn 135, mỗi năm, Đại Sơn được phân bổ hơn 1 tỷ đồng xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, trường học và một số công trình phục vụ dân sinh khác.

Thôn Tam Hiệp đã có điện lưới quốc gia. Ảnh: H.LIÊN
Thôn Tam Hiệp đã có điện lưới quốc gia. Ảnh: H.LIÊN

Bây giờ về Đại Sơn, đường giao thông nông thôn đã được bê tông ở một số thôn vùng 2 của xã, từ Tân Đợi đến khu tái định cư Tam Hiệp, tạo điều kiện cho việc đi lại, sản xuất của người dân và con em trong vùng đi học thuận lợi. Sau 7 năm triển khai Chương trình 135 kết hợp với nhiều nguồn vốn khác, toàn xã đã đầu tư hơn 17 tỷ đồng để phát triển nhiều công trình, hạng mục cải thiện an sinh xã hội. Hiện, 7/7 thôn của xã đã có công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình hệ thống nước sinh hoạt tự chảy thôn Đầu Gò, cụm trường học khu II, trạm y tế xã và một số công trình khác… Đặc biệt, khu tái định cư Tam Hiệp ra đời đã giải quyết khó khăn về đi lại, nhà ở, ổn định đời sống của người dân. Giai đoạn 2013 - 2014, tại thôn Tam Hiệp, Đầu Gò, điện lưới đã về thắp sáng tạo chuyển biến tích cực ở vùng đất Đại Sơn sau 40 năm giải phóng. “Điều đáng mừng là nếu ở thời điểm năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã là 83,84% thì cuối năm 2014, đã giảm xuống còn 29,61% và tỷ lệ hộ cận nghèo cũng chỉ còn 25,29%” - ông Tuân chia sẻ.

Nỗ lực tự thân

Qua khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới, Đại Sơn chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Năm 2015 này, xã phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí về kênh mương nội đồng và trường học. Chính quyền và nhân dân Đại Sơn đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, phát huy sức mạnh nội lực, bên cạnh nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài. Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuân chia sẻ, xây dựng nông thôn mới là chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vì vậy, bên cạnh sự trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, chính quyền và nhân dân Đại Sơn sẽ tích cực phát huy sức mạnh nội lực, xóa bỏ tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong nhân dân. Công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức chung sức xây dựng nông thôn mới trong nhân dân được đẩy mạnh. Việc huy động sức dân trong xây dựng đường làng ngõ xóm khang trang, nhà bia tưởng niệm thôn, chỉnh trang cổng ngõ tư gia, giữ gìn vệ sinh môi trường được phát động rộng rãi.

Trong giai đoạn 2015-2020, Đại Sơn xác định phát triển kinh tế rừng là mũi nhọn. Cây thơm trồng thâm canh được địa phương duy trì ở mức 350 -360ha,  diện tích đất rừng còn lại phân bố trồng cây nguyên liệu như keo lá tràm, bạch đàn. Dự án khôi phục, phát triển rừng lòn bon của xã đã và đang vận hành, góp phần bảo tồn loài cây đặc sản, có giá trị kinh tế của vùng. Để khuyến khích phát triển các mô hình làm giàu từ kinh tế rừng, kinh tế trang trại, xã đã khoanh rừng tập trung ở các thôn Đồng Chàm, Tam Hiệp, Tân Đợi… với diện tích 100ha, bố trí phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng gia trại và trang trại kết hợp sản xuất nông lâm tập trung. Cùng với kinh tế rừng, xã vẫn tiếp tục duy trì hơn 30ha đất màu, hướng tới xây dựng mô hình sản xuất lúa thâm canh quy mô cánh đồng mẫu trên diện tích hàng chục héc ta đất lúa thuận lợi tưới tiêu trên địa bàn. Mục tiêu là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích. Để tạo điều kiện cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa, vận chuyển nông lâm sản giữa hai vùng của xã nối liền bởi sông Vu Gia, Đại Sơn đã đưa vào khai thác 2 bến đò ngang trên địa bàn trong khi chờ đợi dự án cầu treo dân sinh đang đề nghị xây dựng.

Đại Sơn đã và đang đổi thay từng ngày nhờ Chương trình 135 và sự phát huy nội lực trong việc xây dựng nông thôn mới.

 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,513 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 12 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com