hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
HTX kiểu mới-yếu tố quan trọng của liên kết 4 nhà (03/07/2015)
Từ phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa qua, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ với Cổng TTĐT Chính phủ về những "nút thắt" trong sản xuất nông nghiệp cần tháo gỡ.

Ghi nhận những lý giải, giải pháp của Bộ trưởng Cao Đức Phát về tăng cường liên kết 4 nhà, ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhưng ông Lê Minh Hoan mong mỏi được nghe nhiều hơn về HTX kiểu mới từ phía người đứng đầu Bộ NN&PTNT, đặc biệt là giải pháp “chống đỡ” lại tình cảnh được mùa mất giá, bị ép giá hay giá thành sản xuất cao...

Theo ông Hoan, tư duy tiểu nông cộng với văn hóa làng xã từ nhiều đời đã tách rời người nông dân trong sản xuất. Công việc bây giờ phải làm là “nhập” họ lại để tiến lên sản xuất lớn và hình thành những mô hình sản xuất.

Lấy ví dụ trong một gia đình có vài ba người con, mỗi người được chia một thửa ruộng. Nhưng giờ, không nhất thiết ai cũng phải trồng cấy mà có thể cho một người mượn đất để trồng cấy, còn mình đi làm việc khác, cuối năm nhận được lúa chia là được. “Việc hình thành HTX kiểu mới cũng có yếu tố tương tự như vậy”, ông Hoan nói.

Do đó, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho các HTX kinh phí thuê đất lại của nông dân để tập trung sản xuất lúa. Mới đầu chỉ vài trăm ha, so với hàng trăm nghìn ha thì không có gì lớn nhưng chính quyền kỳ vọng nông dân và HTX sẽ tháo gỡ được khó khăn để liên kết với nhau.

“Tôi đã chứng kiến đại diện HTX nói chuyện với nông dân rồi, nghe dễ thương lắm vì họ cần tới nhau. HTX làm ăn mạnh thì tôi giao đất cho anh rồi anh chia lúa cho tôi để tôi làm cái khác, hoặc tôi cũng có thể làm dịch vụ khác cho HTX để có thêm lợi nhuận. Ở đây là vấn đề HTX và nông dân cộng sinh với nhau”, ông Hoan bày tỏ.

Thế rồi dần dà có nhiều HTX bắt đầu cần tới doanh nghiệp và ngược lại doanh nghiệp cũng cần HTX. Trước đây, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã làm rất tốt việc liên kết sản xuất với hàng chục nghìn hộ dân trong vùng Tây Nam Bộ nhưng mở rộng ra nữa thì Công ty này cũng không đủ lực để có thể liên kết sản xuất theo chuỗi với từng hộ dân như vậy được. Giờ doanh nghiệp này cũng phải cần tới HTX làm khâu trung gian trong kết nối với nông dân.

“Nhưng phải là HTX kiểu mới”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh khi đi sâu phân tích về thành phần kinh tế này. HTX kiểu mới không thể có kế hoạch sản xuất ngắn hạn đi liền với chia lợi nhuận hằng năm như trước đây. Hay HTX hoạt động theo lợi ích của vài người có quyền chi phối. HTX bây giờ phải có chương trình, kế hoạch sản xuất dài hạn, không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn phải mang lại lợi ích cho nông dân, xã viên.

Từ kinh nghiệm ở địa phương mình (Đồng Tháp là địa phương đi đầu cả nước trong hoàn thiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chính thức thực hiện Đề án này trong hơn 1 năm qua), ông Hoan cho biết HTX hỗ trợ xã viên những dịch vụ mà xã viên không làm được hoặc khó có điều kiện làm được. Đơn cử khi mua vật tư nông nghiệp, HTX sẽ mua với số lượng lớn nên rẻ hơn tự hộ nông dân đi mua, đồng thời đảm bảo được chất lượng vật tư đầu vào, giúp xã viên giảm chi phí sản xuất.

Ông Lê Minh Hoan còn chỉ ra nguyên nhân nông dân bị doanh nghiệp, tư thương ép giá cũng là do không có một HTX hoạt động theo tín hiệu thị trường đúng nghĩa. Khi trồng lúa nhỏ lẻ, doanh nghiệp đến nhà ông A hỏi giá là 4.000 đồng/kg lúa, nhưng nhà ông B đưa ra giá 3.900 đồng/kg. Sợ doanh nghiệp không mua lúa của mình, ông A lại phải giảm xuống thấp hơn, chỉ 3.800 đồng.

“Do đó, chính người nông dân đang tự dìm giá của nhau xuống”, ông Hoan nói. Nhưng giờ có HTX liên kết nông dân lại với nhau thành một khối thống nhất về chất lượng, giá thì doanh nghiệp bắt buộc phải mua đúng giá thị trường bởi “không mua được chỗ này thì anh cũng không thể mua được chỗ khác”.

Nhưng phát triển nông nghiệp không chỉ có HTX mà doanh nghiệp cũng rất quan trọng. “Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn vào nông nghiệp”.

Trong thực tiễn ở Đồng Tháp, các doanh nghiệp vào đầu tư đều cần vùng nguyên liệu quy mô lớn, kể cả doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, bên cạnh công cụ hỗ trợ về tài chính, tiền tệ mà Nhà nước có thể làm được thì câu chuyện đầu tư bền vững, tin tưởng nhau là điều Bí thư tỉnh Đồng Tháp trăn trở.

Ông Hoan kể lại câu chuyện tỉnh này đề nghị một doanh nghiệp chế biến ở Hàn Quốc cứ đầu tư nhà máy, nhà xưởng để nông dân thấy và tin tưởng, liên kết với nhà máy nhưng thực tế mối liên kết này không như chính quyền tưởng tượng.

“Doanh nghiệp đó kêu với tôi là việc này đã thất bại ở Trung Quốc khi nhà máy xây dựng xong nhưng đến kỳ thu hoạch, nông dân lại bán cho thương lái mua giá cao hơn giá cam kết bán cho nhà máy. Lúc đấy chính quyền có chế tài xử lý được không?”, ông Hoan kể để quay trở lại khẳng định vai trò của HTX trong xây dựng mối quan hệ tin cậy với nông dân và doanh nghiệp.

Bài toán phát triển nông nghiệp có quá nhiều ẩn số. Phải chấp nhận những biến số trở thành định số để thực hiện. Trong phạm vi một địa phương, giờ cần tư duy là tổ chức lại sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, còn quy mô sản xuất (có yếu tố liên kết vùng) thì thị trường sẽ điều chỉnh và Nhà nước cần có lộ trình xây dựng quy mô sản xuất theo từng vùng.

“Tôi có cảm giác ngành nông nghiệp có những vấn đề lớn không chỉ riêng ngành nông nghiệp làm được đâu, phải cả hệ thống chính trị, đảng đoàn, hội nông dân tích cực tham gia thì mới làm được. Nhưng những gì ở Đồng Tháp đã làm được là tôi thấy có niềm tin để tiếp tục cho ra đời các mô hình hợp tác sản xuất mới”, ông Hoan chia sẻ.

Chinhphu.vn

Lượt xem:  967 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 141 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70 110 140
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com