hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
"Biến tấu" từ chiếu cói Trà Nhiêu (12/06/2015)
Làng nghề chiếu cói Trà Nhiêu (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) có từ lâu đời, gắn liền với thương hiệu “Chiếu Bàn Thạch” nổi tiếng. Thời gian qua, từ nguồn hỗ trợ của các dự án đã giúp phát triển chuỗi giá trị cây cói, tạo việc làm cho người dân làng chiếu.

 

 Phụ nữ làng chiếu Trà Nhiêu sản xuất sản mũ, túi xách... từ cói.
Phụ nữ làng chiếu Trà Nhiêu sản xuất sản mũ, túi xách... từ cói.
Từ bao đời nay, làng nghề truyền thống Trà Nhiêu nổi tiếng bởi các sản phẩm chiếu cói thủ công do đôi bàn tay khéo léo của người dân địa phương làm ra. Gần đây, được sự tài trợ của dự án “Tăng cường năng lực địa phương về quản lý bền vững đất ngập nước” (WAP, do tổ chức SIDA - Thụy Điển tài trợ) và dự án “Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới” (do tổ chức Hòa bình và phát triển Tây Ban Nha - PyD tài trợ), người làng chiếu Trà Nhiêu có điều kiện phát triển cây nguyên liệu cói, học nghề dệt chiếu hoa, sản xuất các sản phẩm mới từ cây cói. Nhờ sự “biến tấu” này mà người làng chiếu làm ra những sản phẩm xinh xắn và hữu dụng, bán cho khách du lịch để kiếm thêm thu nhập, góp phần phát triển du lịch và gìn giữ môi trường sinh thái, bảo vệ các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống.
Phát triển chuỗi giá trị cói
Phát triển chuỗi giá trị cây cói từ việc mở rộng diện tích, hỗ trợ kỹ thuật trồng mới, kỹ thuật làm chiếu cói theo mẫu mới, thiết kế và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ cói phục vụ khách du lịch… là điểm nhấn của các dự án do SIDA và PyD tài trợ tại vùng nguyên liệu chiếu cói Trà Nhiêu. Từ năm 2011, nhiều hộ trồng cói được hỗ trợ cải tạo đồng ruộng, kỹ thuật trồng và chăm sóc cói để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt chiếu truyền thống và các sản phẩm khác từ nguyên liệu cói.
Các sản phẩm mới từ cói ở Trà Nhiêu đa dạng, phong phú, rất được du khách ưa chuộng.
Các sản phẩm mới từ cói ở Trà Nhiêu đa dạng, phong phú, rất được du khách ưa chuộng.
Ông Quản Văn Trái, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh hàng mỹ nghệ Trà Nhiêu cho biết, trên địa bàn thôn hiện có 80ha trồng cói nguyên liệu với 40 hộ chuyên làm nghề chiếu cói. Riêng tổ hợp tác có 30 thành viên, hoạt động trong khuôn khổ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ nguyên liệu cói địa phương. “Ngoài việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm, tổ hợp tác mở cơ sở dệt chiếu hoa, sản xuất các mặt hàng phục vụ du lịch như mũ, dép, túi xách, hộp đựng quà từ cây cói...; giải quyết lao động nhàn rỗi, thu nhập bình quân mỗi người hơn 1,5 triệu đồng/tháng” - ông Trái nói.
Lãnh đạo địa phương và người làm nghề chiếu cói tại Trà Nhiêu được Ban quản lý Dự án PyD Quảng Nam tập huấn phương thức xây dựng thương hiệu, tiếp thị bán sản phẩm mới từ nguyên liệu cói ra thị trường. Thời gian qua, chiếu cói theo mẫu mã mới và các sản phẩm từ cói như mũ, dép, giỏ xách... làng chiếu Trà Nhiêu đã có mặt tại các hội chợ thương mại trong tỉnh, các shop bán hàng lưu niệm tại phố cổ Hội An, Khu du lịch Bà Nà - Đà Nẵng... Chị Nguyễn Thị Tâm (thành viên Tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh hàng mỹ nghệ Trà Nhiêu) cho biết: “Khi chuyển sang sản xuất mũ, túi xách, hộp đựng quà... thì chị em chúng tôi tận dụng những cây cói ngắn để làm. Làm các sản phẩm mới ít tốn công hơn dệt chiếu truyền thống, thu nhập lại cao gấp đôi. Mũ, túi xách mỗi người đan lúc nào cũng được, còn dệt chiếu phải hai người, lại cần không gian lớn hơn”.
Giải quyết lao động tại chỗ
Nghề truyền thống ở Trà Nhiêu vẫn được lưu truyền, tuy có “biến tấu” nhưng vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất thủ công từ khâu trồng, thu hoạch, phơi, nhuộm, dệt… đều từ đôi tay khéo léo của những người phụ nữ. Cây cói trở thành mục tiêu của chuỗi giá trị phát triển, nhiều lao động là phụ nữ vùng chiếu cói Trà Nhiêu có thêm việc làm và thu nhập lúc nông nhàn. Chị Nguyễn Thị Tâm cho biết thêm: “Khi chưa có nghề đan mũ cói thì mỗi ngày tôi làm có một buổi, về nhà cũng rảnh. Tham gia tổ hợp tác, tôi có thời gian làm thêm. Lúc mới học đan mũ cói thì thu nhập còn thấp, mỗi buổi chỉ một cái, tiền công 20 nghìn đồng, nay quen tay, mỗi buổi đan được hai cái mũ, thu nhập cũng khá”.
Ngoài các thành viên tham gia sản xuất các sản phẩm phi truyền thống từ nguyên liệu cói, Tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh hàng mỹ nghệ Trà Nhiêu còn có các “vệ tinh” là những phụ nữ (nhóm phụ nữ) tại làng chiếu và các thôn lân cận tham gia sản xuất các sản phẩm theo mẫu mã, nguyên liệu của tổ hợp tác. Những phụ nữ này được tổ hợp tác hướng dẫn cách đan mũ, túi xách bằng cói; sau khi tay nghề hoàn thiện thì làm việc bán thời gian tại nhà, sản phẩm làm ra được tổ hợp tác thu mua, chuyển cho các cơ sở chuyên kinh doanh các sản phẩm mới từ nguyên liệu cói Trà Nhiêu.
Gần 4 năm qua, từ dự án WAP của tổ chức SIDA và dự án do tổ chức PyD tài trợ, ngành VH-TT&DL tỉnh và Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội huyện Duy Xuyên đã mở các lớp đào tạo miễn phí nghề đan mũ, dép, túi xách... từ nguyên liệu cói cho 100 lao động nữ trên địa bàn các xã Duy Vinh, Duy Phước. Vừa học vừa làm, trong thời gian 2 tháng thì các học viên thông thạo kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm mới đạt chất lượng và thẩm mỹ. Bà Đỗ Thị Hai (người dân thôn Đông Bình, xã Duy Vinh) cho biết: “Qua lớp học này, tôi biết được làm mũ và giỏ xách theo mẫu. Tôi cũng lớn tuổi rồi, không làm gì được, chỉ làm cái nghề này để kiếm thêm thu nhập chi tiêu trong gia đình”. Giống như bà Hai, nhiều phụ nữ ở vùng nguyên liệu chiếu cói Duy Vinh rất vui khi sản xuất các sản phẩm phi truyền thống nhưng vẫn gắn bó với cây cói. Nhiều người có việc làm ổn định tại địa phương khi mà nghề làm chiếu truyền thống đang gặp những khó khăn do sản phẩm thiếu đầu ra.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,865 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 10 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com