hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phụ nữ Thăng Bình giúp nhau giảm nghèo (04/05/2015)
Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Thăng Bình đã triển khai nhiều mô hình cụ thể và tạo điều kiện cho chị em vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.

 

Chị Hồng Anh (áo hoa) hướng dẫn kỹ thuật đan giỏ cho các lao động nữ
Chị Hồng Anh (áo hoa) hướng dẫn kỹ thuật đan giỏ cho các lao động nữ

Nhiều mô hình hiệu quả

1. Là thành viên của Câu lạc bộ “Phụ nữ làm chủ gia đình” được thành lập vào cuối năm 2005 (thôn An Thái, xã Bình An), chị Trần Thị Hồng Anh - như bao phụ nữ cùng cảnh ngộ trong câu lạc bộ thấy rõ trách nhiệm của mình là tạo điều kiện để các thành viên có việc làm và giúp các chị quên đi những nỗi buồn riêng tư, chính vì vậy mà Tổ hợp Mây Tre đan Hồng Anh ra đời.

Để có được việc làm cho bản thân và chị em trong CLB, chị Hồng Anh phải vào Xí nghiệp Mây Tre Âu Cơ huyện Núi Thành để học nghề mây tre đan. Qua một năm chăm chỉ học nghề, chị Hồng Anh đã thành thạo công việc, cùng với các chị em trong câu lạc bộ tập trung tại nhà mình để sản xuất các mặt hàng mây tre đan và hợp đồng với Xí nghiệp Mây Tre Âu Cơ chuyên gia công giỏ mây cho xí nghiệp để có được nguồn thu nhập ổn định. “Tôi gắn bó với nghề mây tre đan này hơn 10 năm rồi. Nhờ có chị Hồng Anh mà tôi và nhiều chị em trong thôn có được việc làm ổn định, có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Tôi biết ơn chị Hồng Anh nhiều lắm”. Chị Trần Thị Mai chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, Tổ hợp Mây Tre đan Hồng Anh vẫn duy trì và phát triển, đảm bảo việc làm cho 80 lao động nữ trong xã và các vùng lân cận. Về những định hướng trong tương lai, chị Hồng Anh cho biết: “Để Tổ hợp phát triển hơn, tôi tìm kiếm thêm mẫu mã mới, những mặt hàng dân dụng, lưu niệm để ký gửi tại TP.Hội An bán cho khách du lịch, luôn học hỏi những cái hay cái đẹp của mọi người để áp dụng vào sản phẩm của mình, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho chị em”.

Ghi nhận những đóng góp của chị Hồng Anh đối với cộng đồng, nhiều năm qua, Tổ hợp mây Tre Đan Hồng Anh đã được Hội LHPN xã Bình An, Hội LHPN Việt Nam, UBND xã Bình An, UBND huyện Thăng Bình và UBND tỉnh Quảng Nam tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

2. “Nuôi heo đất” là mô hình mới sáng tạo được Hội LHPN huyện chọn xã Bình Trung triển khai vào năm 2011. “Bước đầu có 125 chị ở thôn Kế Xuyên, thôn Vĩnh Xuân và thôn Vinh Phú tham gia, mỗi ngày chị em đi chợ tiết kiệm từ 1000 - 2000 đồng, mô hình được phát động vào dịp 8/3 và đến 20/10 chị em khai heo, số tiền thu được 7 triệu đồng, giúp cho 7 chị phụ nữ nghèo, mỗi chị nhận 1 triệu đồng mua heo nuôi để có thu nhập, giải quyết khó khăn trong cuộc sống”. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lan, chủ tịch Hội LHPN xã Bình Trung nói. Từ hiệu quả của mô hình nuôi heo đất tại xã Bình Trung, Hội LHPN huyện đã nhân rộng mô hình này trong toàn huyện.

Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những kênh quan trọng giúp phụ nữ thoát nghèo ở Thăng Bình. Tính đến nay, tổng nguồn vốn Hội LHPN huyện đang quản lý qua kênh này hơn 150 tỷ đồng với 13.634 hộ vay, trong đó có 1.541 phụ nữ nghèo là chủ hộ. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay, nhiều hội viên phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Trường hợp của chị Trương Thị Lan ở thôn Vinh Nam xã Bình Trị là một ví dụ. Cách đây 5 năm, chồng chị lâm bệnh nặng qua đời để lại 3 con thơ dại cùng với món nợ trên 100 triệu đồng tiền thuốc thang chữa bệnh cho anh. Nổi đau tưởng chừng đánh gục người phụ nữ nhỏ bé này, nhưng nhờ có nguồn vốn của Ngân hàng CSXH, chị Lan vay 20 triệu đồng mua heo và bò về nuôi để có nguồn thu nhập cho con ăn học. “Sau khi ba mấy đứa nhỏ mất, tôi được chị Nguyễn Thị Kiều, chủ tịch HLPN xã động viên giúp đỡ và tạo điều kiện để tôi được vay vốn, rồi bày cách nuôi heo, trồng cỏ, nuôi bò, dần dần tôi cũng vượt qua nổi đau vươn lên để nuôi con ăn học, ổn định cuộc sống và thoát  nghèo”. Chị Lan tâm sự.

Những con số thuyết phục

Bà Nguyễn Thị Pho, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Trong những năm qua, Hội phụ nữ các cấp ở Thăng Bình đã vận động chị em thực hiện mô hình tiết kiệm với nhiều tên gọi như: “Nuôi heo đất”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm”, “Quỹ tương trợ”…bằng việc làm cụ thể là bớt lại vài nghìn đồng khi đi chợ, một vài nắm gạo khi nấu cơm để chung tay giúp đỡ phụ nữ nghèo. Đến nay, mô hình đã nhân rộng trong toàn huyện với gần 2.000 phụ nữ tham gia, số tiền tiết kiệm thu được hơn 1,2 tỷ đồng và trên 4,4 tấn gạo giúp cho gần 2 ngàn lượt phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chị Võ Thị Hồng xã Bình Quý nuôi trâu thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay
Chị Võ Thị Hồng xã Bình Quý nuôi trâu thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay

Bên cạnh việc thực hành tiết kiệm, các cấp hội còn vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày và tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm số tiền trên 1,7 tỷ đồng giúp 3.381 lượt trẻ em nghèo, khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trao 381 suất học bổng, xây dựng 37 mái ấm tình thương, sửa chữa 4 nhà và mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm gia đình cho 304 cán bộ hội, hỗ trợ cho 135 hội viên mua heo giống và 7 con bò giống sinh sản...

Đặc biệt để giúp đỡ phụ nữ nghèo làm chủ hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo, nhân ngày gia đình Việt Nam, Hội LHPN huyện đã tổ chức Diễn đàn giao lưu “Tiếp sức phụ nữ vươn lên thoát nghèo”. Tại diễn đàn, hội đã hỗ trợ heo giống cho 22 chị, trị giá 22 triệu đồng. Đây là nguồn kinh phí từ quỹ vận động tiết kiệm của chị em phụ nữ toàn huyện. Bên cạnh đó, hội còn tổ chức “Gặp mặt biểu dương phụ nữ làm chủ hộ vươn lên thoát nghèo bền vững giai đoạn (2011 - 2013), có trên 200 chị tham dự và hội đã tuyên dương, khen thưởng 38 cá nhân tiêu biểu.        

Không dừng lại ở các hoạt động này, các cấp hphụ nữ toàn huyện còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp đỡ phụ nữ thoát nghèo bền vững. Hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo cơ sở khảo sát đánh giá, phân loại hộ nghèo, xây dựng kế hoạch giúp phụ nữ thoát nghèo, giao chỉ tiêu mỗi xã, thị trấn giúp từ 1-2 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo bền vững. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT, Phòng Kinh tế - hạ tầng, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y; Dự án cải thiện “Chuỗi giá trị chăn nuôi lợn” và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential... tổ chức 397 lớp tập huấn, đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, thú y, may công nghệp, may giày da, mây tre đan, chế biến món ăn, xe hương... cho 11.926 lao động nữ và đã giới thiệu việc làm cho chị em sau đào tạo.

Hiện nay, tại các địa phương Hội LHPN huyện đã xây dựng 627 nhóm góp vốn quay vòng, 31 nhóm tiết kiệm tín dụng và các mô hình “3 giúp 1” ở xã Bình Quý, “5 giúp 1” ở xã Bình Giang, nhóm buôn bán nhỏ ở xã Bình Nam, nhóm có 40 chị góp vốn nuôi bò ở xã Bình Triều. Các mô hình  này có 6.500 chị tham gia, số tiền góp hằng năm trên hàng tỷ đồng, giúp cho hàng ngàn lượt phụ nữ có điều kiện buôn bán, chăn nuôi và nuôi con ăn học.  Nhờ đó, năm 2014 toàn huyện có 288 phụ nữ làm chủ hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Những kết quả của các cấp hội phụ nữ huyện Thăng Bình đạt được trong những năm qua đã góp phần giải quyết việc làm, từng bước cải thiện điều kiện sống cho hội viên phụ nữ và mở ra hướng giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian đến.

THÚY ƯU

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  979 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 122 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90 120
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com