Tại hội thảo đầu bờ này, bà con và ban điều hành dự án đã cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và đánh giá hiệu quả kinh tế mô hình. Theo đó, việc trồng rau theo quy trình hữu cơ giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất do tận dụng và tái chế được các nguồn phế thải nông nghiệp, cải tạo chất lượng đất canh tác, tạo sản phẩm rau sạch, an toàn. Đây là hình thức nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng. Nông dân canh tác dựa vào việc quay vòng mùa vụ và cơ giới.
Được biết, thôn Thanh Đông là đơn vị thực hiện thí điểm “Vườn rau sinh thái” trên diện tích hơn 6.300 mét vuông, có hệ thống phun sương tự động, 10 hộ dân thôn Thanh Đông đã sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân chuồng, than trấu và chế phẩm sinh học để tạo nguồn phân hữu cơ, trồng 2 nhóm rau chính là rau ăn quả và rau ăn lá như: rau muống, dền, mồng tơi, cải, đậu bắp, đậu đũa, cà chua, dưa hấu, bí đỏ, ớt…Việc hình thành vườn rau sinh thái này cũng góp phần tạo điểm tham quan thú vị cho du khách khi muốn tìm hiểu về đời sống sản xuất của người dân địa phương. Từ hiệu quả ban đầu này, ban điều hành dự án tiếp tục đề xuất nhân rộng tại một số diện tích đất sản xuất tại Cẩm Thanh và xã Cẩm Kim, phường Cẩm Châu trong thời gian đến.