hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Thả tôm trước lịch: Chưa có hồi kết (26/02/2014)
Nhiều ao tôm ở vùng triều thả nuôi trước lịch thời vụ xảy ra hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt. Đây là “điệp khúc” trong nhiều năm qua, trong khi đó đến nay ngành chức năng và các địa phương vẫn chưa xây dựng được khung lịch thời vụ phù hợp hơn và hạn chế tình trạng “đốt” lịch để giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

 Thả nuôi trước lịch

Theo lịch, vụ nuôi tôm vùng triều năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 1.3 nhưng hiện các vùng triều ven sông Tam Kỳ đoạn chảy qua phường An Phú, nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng đã được thả nuôi. Gia đình ông Đỗ Văn Lãnh (khối Phú Sơn, An Phú) có 4 ao nuôi tôm với tổng diện tích 20.000m2, đến thời điểm này 3/4 diện tích ao nuôi đã được thả tôm giống. Ông cho biết: “Sông Tam Kỳ chảy qua phường An Phú có độ dốc tương đối lớn nên dòng chảy thông suốt chứ không tù đọng. Vừa qua, nhân lúc thời tiết nắng ấm nên tôi thả nuôi sớm hơn so với lịch mùa vụ. Thời điểm này có không khí lạnh tràn về, tôm nuôi phát triển trong điều kiện không tốt nên gia đình cũng lo” - ông Lãnh nói. Theo thống kê của UBND phường An Phú, diện tích tôm thẻ chân trắng thả nuôi trước lịch mùa vụ trên địa bàn là 7ha trong tổng số 15ha ao nuôi. “Trước và ngay sau tết, nhiều hộ dân thả giống tôm thẻ chân trắng. Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ đã phối hợp với ngành thủy sản của tỉnh tổ chức tập huấn, vừa để hướng dẫn nuôi tôm an toàn vừa hạn chế tình trạng thả nuôi trước lịch” - ông Ngô Văn Tùng, Phó ban Kinh tế phường An Phú nói.
Nhiều ao nuôi thả tôm trước lịch mùa vụ.                                                                    Ảnh: Q.Việt
Nhiều ao nuôi thả tôm trước lịch mùa vụ. Ảnh: Q.Việt
 
Tại vùng triều ven sông Trường Giang đoạn chảy qua thôn Lộc Ngọc (xã Tam Tiến, Núi Thành), tình trạng nuôi tôm trước lịch mùa vụ cũng diễn ra từ hơn 1 tháng nay. Ông Trần Khánh Thụy, một người nuôi tôm ở vùng triều thôn Lộc Ngọc, cho biết: “Chất lượng nước sông vào thời điểm trước tết là thuận lợi nhất cho nuôi tôm. Bởi vào thời điểm này các hoạt động kinh tế ít diễn ra, chất thải ít dồn về nên nguồn nước ít bị đe dọa. Gia đình thả nuôi 20 vạn tôm giống trên 2.000m2, đến nay chi phí hết 30 triệu đồng. Không biết tôm nuôi có qua được thời điểm thời tiết có nhiều biến động như lúc này không?”. Trong khi đó khoảng 3.000m2 ao nuôi của gia đình ông Ngô Đình Vân (cùng thôn với ông Thụy) thả nuôi từ hơn 1 tháng nay đã bị chết hàng loạt. Ông Vân nói: “Gia đình đã cải tạo ao nuôi tốt, thả giống và chăm sóc đúng quy trình nhưng không hiểu sao tôm nuôi có hiện tượng ngoi ngóp dần lên mặt nước rồi chết hàng loạt. Ở đây nhiều hộ nuôi cũng gặp tình trạng tương tự”.
 
Khó kiểm soát
 
Theo khảo sát của chúng tôi, tôm nuôi trước lịch mùa vụ bị chết đã xảy ra đồng loạt tại khắp các vùng nuôi của tỉnh như Bình Nam (Thăng Bình), Tam Xuân 1 (Núi Thành), Tam Thanh (Tam Kỳ)... Các nông hộ giải thích là thả nuôi trước lịch thì điều kiện nuôi thuận lợi hơn nhờ nguồn nước đảm bảo, tôm giống tốt mà giá cả phải chăng… “Năm nào chúng tôi cũng được tập huấn, nghe hướng dẫn nuôi tôm đúng lịch. Trong khi điều kiện nuôi tôm mà nhất là nguồn nước thì luôn biến động nhưng hướng dẫn nuôi tôm, lịch mùa vụ của ngành chuyên môn thì không năm nào khác năm nào. Nuôi tôm thì mỗi người đều phải tự thân vận động thôi, chỉ có điều nước sông Trường Giang ngày một ô nhiễm mà hạ tầng vùng nuôi đã xuống cấp nên dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra” - ông Trần Khánh Thụy cho biết thêm.
Không xả thải ngay nếu tôm nuôi bị bệnh
Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cho biết, trong những ngày qua, thời tiết nắng ấm xen kẽ với xuất hiện không khí lạnh làm môi trường ao nuôi tại các diện tích nuôi tôm trước lịch mùa vụ biến động thất thường. Đây là điều kiện khiến tôm nuôi dễ bị bệnh. Ngành chức năng khuyến cáo nông dân tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi bằng cách bổ sung vitamin C, khoáng chất vào thức ăn nuôi tôm; định kỳ sử dụng men vi sinh để hấp thụ các chất hữu cơ và thức ăn dư thừa; ổn định độ pH và quản lý tốt nguồn nước. Đối với các địa phương có nuôi tôm nước lợ cần yêu cầu các chủ ao nuôi cam kết thực hiện bảo vệ môi trường trong vùng nuôi tôm; sử dụng clorin, giữ nước ao nuôi trong 7 - 10 ngày nếu tôm nuôi bị bệnh, tránh lây lan mầm bệnh, gây thiệt hại cho các hộ nuôi xung quanh.
 Theo ông Phạm Cưu - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ, lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm nào cũng bị các nông dân “đốt” vì rất nhiều lý do, không thể kiểm soát được. “Hiện tại, chưa hề có một quy định nào bắt buộc phải nuôi tôm đúng lịch mùa vụ, chỉ khuyến cáo vậy thôi. Ngoài ra, chưa khống chế được tình trạng nông hộ xả thải khi tôm bị bệnh. Địa phương đang thực hiện rà soát và quy hoạch lại các diện tích nuôi tôm nước lợ ở vùng triều rồi sau đó mới siết chặt việc nuôi, đảm bảo an toàn, hướng đến bền vững” - ông Cưu nói. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, tôm nuôi trái vụ rất dễ chết do thời tiết không thuận lợi khiến bệnh rất dễ phát sinh. Trước vụ nuôi, ngành thủy sản luôn gửi công văn về các địa phương để hướng dẫn nuôi tôm đúng lịch mùa vụ nhưng không năm nào hiện tượng nuôi trước lịch mùa vụ lại không diễn ra. “Chúng tôi cũng chặn tôm giống từ các địa phương khác về các vùng triều nuôi tôm nước lợ ở Quảng Nam để các nông hộ không thể sản xuất trước lịch mùa vụ bằng cách liên hệ với các cơ sở sản xuất giống ở các tỉnh, thành lân cận. Thế nhưng, dù chúng tôi đã phối hợp với lực lượng giao thông chốt chặn, kiểm soát tại nhiều điểm thì tôm giống vẫn cứ được tuồn về Quảng Nam mà chưa thể kiểm soát hết được” - bà Tâm nói.
 
Với các điều kiện không có kênh cấp thoát nước, hạ tầng vùng nuôi sơ sài, nguồn nước ô nhiễm…, những năm qua dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra ở các diện tích vùng triều. Trong khi đó, nhiều hộ dân vẫn không tuân thủ lịch mùa vụ nên dịch bệnh càng có điều kiện phát sinh và dễ lây lan. Thiết nghĩ đã đến lúc ngành nuôi trồng thủy sản cần xây dựng một khung lịch thời vụ phù hợp hơn và hạn chế tình trạng thả nuôi trước lịch, đây là điều kiện cần đầu tiên để có thể hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, giảm thiểu thiệt hại.
 

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,731 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com