hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Đại Lộc đầu tư lớn cho hạ tầng nông thôn (03/06/2019)
Đại Lộc đã đạt được thành công lớn trong việc huy động nguồn lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, các địa phương của Đại Lộc tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho việc kiên cố hóa kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ
Trong giai đoạn 2016 - 2018, các địa phương của Đại Lộc tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho việc kiên cố hóa kênh mương. Ảnh: VĂN SỰ

Đầu tư lớn

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, những năm qua địa phương đặc biệt quan tâm huy động và lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, HĐND và UBND huyện Đại Lộc đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách quy định suất đầu tư cũng như tỷ lệ trong huy động vốn đối ứng thực hiện chương trình nông thôn mới.

Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2018, từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình nông thôn mới kết hợp huy động và lồng ghép một số kênh vốn của các chương trình, dự án khác; Đại Lộc đã đầu tư hơn 475 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong đó, huyện chủ yếu lựa chọn các công trình vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhân dân. Ông Hồ Ngọc Mẫn cho hay, 3 năm qua, Đại Lộc tiếp tục xây dựng mới gần 4,8km đường trục xã - liên xã, hơn 8,2km đường trục thôn - liên thôn và xấp xỉ 38km đường trục chính nội đồng.

Như vậy, đến thời điểm này, tổng số đường trục xã - liên xã đạt chuẩn của huyện là gần 219km, đường trục thôn - liên thôn hơn 207km và đường giao thông nội đồng khoảng 226km. “Hiện nay, ở nhiều xã của huyện, các trục đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa tới từng ngõ xóm, đặc biệt là hàng loạt tuyến giao thông nội đồng được kiên cố hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản của người dân; đồng thời thúc đẩy dịch vụ - thương mại trên địa bàn tăng trưởng mạnh theo đà phát triển của sản xuất hàng hóa và thị trường” – ông Mẫn nói.

Đối với lĩnh vực thủy lợi, từ năm 2016 – 2018, Đại Lộc đã đầu tư kiên cố hóa hơn 45km kênh mương loại 3 và nâng cấp, cải tạo, làm mới 13 công trình hồ, đập, kè, cống, đồng thời tiến hành thi công 12 công trình điện thủy lợi hóa đất màu. Nhờ vậy, hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của địa phương đảm bảo chủ động nguồn nước tưới, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại và môi trường cũng được lãnh đạo huyện hết sức quan tâm. Theo thống kê, trong 3 năm qua Đại Lộc đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 194 phòng học và phòng chức năng của rất nhiều trường học trên địa bàn. Bên cạnh đó, xây dựng 7 công trình sân vận động xã, xây mới và nâng cấp 4 nhà văn hóa xã, 52 nhà văn hóa thôn, 48 khu thể thao thôn, 5 ngôi chợ, 6 trạm y tế xã. Ngoài ra, huyện còn đầu tư 4 dự án điện nông thôn, xây mới 4 công trình nước sinh hoạt và hơn 10 công trình xử lý môi trường...

Vướng mắc

Người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm (2016 – 2018) thực hiện chương trình nông thôn mới do UBND tỉnh tổ chức, ông Hồ Ngọc Mẫn cho rằng, việc quy định cụ thể cơ chế, mức hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước theo cơ chế đặc thù và thực hiện theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình trong đầu tư xây dựng nông thôn mới đã giúp địa phương huy động được sự tham gia tích cực của người dân cũng như toàn xã hội. Theo ông Mẫn, thời gian qua người dân trên địa bàn huyện đã tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, hàng tỷ đồng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhờ vậy, đã tạo sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa, xã hội và diện mạo chung của huyện, nhất là vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc. “Nhờ đầu tư, sử dụng có hiệu quả các công trình kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Nếu năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 8,39% thì đến cuối năm 2018 giảm xuống còn 4,44%. Hiện nay, toàn huyện có 11 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với cuối năm 2015. Trong số 6 xã chưa đạt chuẩn còn lại, không có xã nào đạt dưới 8 tiêu chí” – ông Mẫn chia sẻ.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan trong việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nhưng thực tế những năm qua cho thấy, trong quá trình thực hiện theo cơ chế đặc thù được quy định tại Nghị định số 161/NĐ-CP (ngày 2.12.2016) của Chính phủ và Quyết định số 1549/QĐ-UBND (ngày 3.5.2017) của UBND tỉnh, Đại Lộc vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đối với các công trình sửa chữa rất khó áp dụng cơ chế đặc thù. Bởi mỗi công trình sửa chữa không giống nhau, khi áp dụng theo cơ chế đặc thù thì quy định UBND cấp xã phải tự lập hồ sơ nhưng cấp xã không có chuyên môn nên không dự toán được khối lượng. Trong khi đó, đối với việc thẩm định hồ sơ xây dựng cũng có vướng là khi tiến hành thẩm định hồ sơ thì không tính thuế nhưng trong quá trình triển khai việc mua nguyên liệu, vật tư thì phải chịu thuế. Điều đó gây bất cập cho các địa phương trong khâu thực hiện.

Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết thêm, trong quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo cơ chế đặc thù, một số xã của Đại Lộc cũng gặp khó khăn trong việc giao cho cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ tại địa phương thực hiện toàn bộ hoặc một phần gói thầu. Nguyên nhân là năng lực về máy móc, thiết bị cũng như trình độ kỹ thuật và tay nghề của những thành phần trên còn hạn chế nên có một số công trình không ai đảm nhận thi công. Vì vậy, chính quyền các xã phải mất thêm thời gian thông báo mời thầu và báo cáo UBND huyện để chỉ đạo cho địa phương thực hiện hình thức lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu. Từ đó, dẫn đến tiến độ thi công bị chậm trễ. “Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, tôi kiến nghị UBND tỉnh cho phép các địa phương được thuê những đơn vị tư vấn lập hồ sơ sửa chữa các công trình nhằm đảm bảo về mặt thời gian, kỹ thuật, chất lượng công trình. Đồng thời UBND tỉnh cần xem xét cho tính phần thuế trong hồ sơ công trình để các địa phương thuận lợi trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, cũng xem xét thống nhất cho lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu đối với các công trình không có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình để địa phương triển khai thực hiện nhằm không mất nhiều thời gian” – ông Hồ Ngọc Mẫn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  811 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 50 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com