hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó biến đổi khí hậu (16/04/2019)
Những năm gần đây, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến rất thất thường như mưa trái mùa, lũ lụt, hạn hán… khiến tình hình sản xuất của nông dân bị ảnh hưởng. Trước với thực trạng này, nhiều địa phương đã tìm cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng.
Thích ứng với điều kiện ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng, người dân xã Bình Nam đã trồng xen canh lúa và đậu. Ảnh: PHAN VINH
Thích ứng với điều kiện ngập úng vào mùa mưa, khô hạn vào mùa nắng, người dân xã Bình Nam (Thăng Bình) đã trồng xen canh lúa và đậu. Ảnh: PHAN VINH

Từ vùng cao

Cơn lũ lớn vào cuối năm 2017 đã làm cho 10ha đất bãi bồi ven sông ở xã Quế Lâm (huyện Nông Sơn) bị cát bồi lấp nặng nề. Lớp phù sa màu mỡ vốn là điều kiện thích hợp để người dân nơi đây trồng dưa và cây màu khác nhưng đã bị vùi lấp.

Ông Trần Ngọc Năm (thôn Tứ Trung 1, xã Quế Lâm) có 1.500m2 đất canh tác ven sông, lâu nay ông trồng dưa và sắn cho thu nhập ổn định. Tuy nhiên, sau đợt lũ cuối năm 2017, ông Năm chuyển qua trồng bắp. Nhờ những đợt mưa lớn, lũ nhỏ những năm qua làm dòng nước thay đổi, diện tích trồng bắp của ông nhanh chóng thích nghi. “Mới đầu tôi chỉ nghĩ làm chờ thời thôi chứ cát pha nhiều quá thì khó trồng được nhưng giờ lại hiệu quả. So với trồng dưa và sắn trước đây thì cũng tương đương” - ông Năm nói.

Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết: “Những năm qua, tình hình mưa lũ diễn biến thất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của người dân, đặc biệt là ở khu vực ven sông do bồi lấp cát và bùn đất đỏ. Người dân chuyển qua trồng bắp cho năng suất trung bình khoảng 49 tạ/ha. So với việc bỏ trống đất vì bị bồi lấp thì việc chọn cây trồng phù hợp, có thể chịu đựng được điều kiện tự nhiên như vậy là rất tốt”.

Đối với diện tích cát pha ở ven sông trên địa bàn huyện Nông Sơn, cây bắp là đối tượng cây trồng tương đối phù hợp. Ảnh: PHAN VINH
Đối với diện tích cát pha ở ven sông trên địa bàn huyện Nông Sơn, cây bắp là đối tượng cây trồng tương đối phù hợp. Ảnh: PHAN VINH

Theo ông Lê Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn, không riêng xã Quế Lâm mà việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với những biến đổi khí hậu trong vài năm gần đây được áp dụng rộng ở các xã như Phước Ninh, Quế Phước, Quế Ninh và Quế Trung. Những diện tích không chủ động được nước tưới hoặc bãi bồi ven sông bị bồi lấp đều được khuyến khích chuyển đổi sang các cây trồng cạn, chủ yếu là cây bắp. Huyện Nông Sơn hiện có hơn 400ha bắp.

“Có một vài vụ, bà con bỏ hoang đất. Tuy nhiên, huyện chủ trương khuyến khích cho bà con chuyển đổi cây trồng phù hợp. Tính đến nay, những diện tích được chuyển đổi cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao so với cây trồng cũ. Ví dụ, vụ đông xuân 2018 - 2019 này, làm lúa chỉ cho năng suất khoảng 52 tạ/ha nhưng bắp có thể cho thu hoạch 49 tạ/ha, tính lãi ròng vẫn rất hiệu quả”.

...và đồng bằng

Bắt đầu từ năm 2012, huyện Thăng Bình cũng chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với thời tiết khô hạn. Theo đó, trên địa bàn huyện có 974,5ha đất không chủ động được nước tưới. Địa phương đã khuyến khích người dân chuyển đối từ trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn như đậu, mè, ớt, đậu tương. Ở khu vực đồi, đất khô cằn thì trồng keo và dược liệu.

Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình, diện tích chuyển đổi từ đất lúa không chủ động nước tưới sang cây trồng cạn hiệu quả và duy trì đến nay khoảng 470ha thuộc các xã Bình Hải, Bình Nam, Bình Quý, Bình Tú, Bình Đào, Bình Sa, Bình Quế và thị trấn Hà Lam. Ngoài ra, có địa phương chủ động xen canh vụ Đông xuân trồng lúa và vụ Hè thu trồng đậu trên 250ha ở xã Bình Sa và 267ha ở xã Bình Nam.

Ông Nguyễn Thuật (thôn Đông Tác, xã Bình Nam) cho biết: “Gia đình tôi có 4.000m2 đất xen canh trồng lúa và đậu vì vụ hè thu không có nước tưới. Vụ đậu gần nhất tôi thu hoạch được gần 1,5 tấn đậu tươi, sau khi trừ các loại chi phí tôi thu lãi ròng khoảng 20 triệu đồng. Nguồn thu nhập này tính ra gấp 3 - 4 lần so với làm lúa”.

Người dân phấn khởi vì khi chuyển đổi sang cây trồng cạn thu được lãi cao. Ảnh: PHAN VINH
Người dân phấn khởi vì khi chuyển đổi sang cây trồng cạn thu được lãi cao. Ảnh: PHAN VINH

Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với biến đối khí hậu, đặc biệt là khô hạn đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Nguyên nhân chính là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt hiện nay và thổ nhưỡng ở một vài địa phương. Ngoài ra, xu hướng thị trường đang quay về các mặt hàng nông sản nên giá trị đầu ra của các loại cây trồng cạn như đậu, mè, bắp được đảm bảo, so với cây lúa cho lãi cao hơn.

“Đơn cử, 500m2 đậu có thể cho thu hoạch 180kg đậu tươi, giá bán trên thị trường khoảng 17 nghìn đồng/1kg thì nông dân thu được 3 triệu đồng, trừ hết chi phí thì lãi được 2,5 triệu đồng. Trong khi trên cùng một đơn vị diện tích thì 1 ký lúa chỉ bán được 6 nghìn đồng, lãi ròng chỉ dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, để phát huy hết năng suất của cây trồng cạn sau chuyển đổi cơ cấu thì các ban ngành và địa phương cũng nên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng ở những chân ruộng này, đặc biệt là hệ thống tiêu nước đề phòng ngập úng gây hại cây trồng cạn” - ông Quảng nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  802 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 93 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60 90
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com