hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tập trung phòng chống hạn vụ hè thu (11/04/2019)
Đó là đề nghị của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh tại hội nghị sơ kết vụ đông xuân 2018 - 2019 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu sắp tới, do Sở NN&PTNT tổ chức hôm qua 10.4.

Các địa phương tiến hành kiên cố hóa kênh mương nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng trong vụ hè thu 2019. Ảnh: VĂN SỰ

Các địa phương tiến hành kiên cố hóa kênh mương nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng trong vụ hè thu 2019. Ảnh: VĂN SỰ

Được và mất

Trao đổi với PV Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 1.447ha lúa. Tính đến sáng qua 10.4 đã thu hoạch được 35% diện tích và dự kiến cuối tháng này sẽ gặt xong. Qua kiểm tra trên đồng ruộng cho thấy, vụ này năng suất lúa bình quân của Hiệp Đức đạt khoảng 57 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với đông xuân năm ngoái.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, đông xuân 2018 – 2019 toàn tỉnh gieo sạ 42.100ha lúa. Nhìn chung, cơ cấu giống và thời vụ của mùa lúa này cơ bản được tuân thủ, trong đó các nhóm giống trung - ngắn ngày được sản xuất nhiều và vượt trội so với nhóm giống dài ngày. Tại hầu hết địa phương, trong vụ cây lúa sinh trưởng tốt, đồng đều, ít bị sâu bệnh gây hại nên năng suất đạt cao, kể cả đối với lúa nước trời. “Theo số liệu thống kê sơ bộ từ các huyện, thị xã, thành phố thì đông xuân này năng suất lúa bình quân cả tỉnh ước khoảng 57,7 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 243.000 tấn” – ông Tấn cho hay.

Theo tìm hiểu, đông xuân năm nay, thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân nhiều địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh... liên kết với các doanh nghiệp sản xuất 3.335ha giống lúa và 133ha cây trồng cạn chủ lực như ớt, bắp, đậu phụng, mè... theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Dự kiến, mô hình liên kết sản xuất trên sẽ giúp nhà nông tăng thêm 25 – 45% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Ngô Tấn cho biết thêm, vụ này nông dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển đổi 585ha đất lúa sang canh tác các loại cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu. Trong số 585ha đất lúa chuyển đổi nêu trên thì loại cây trồng có diện tích lớn là dưa hấu 188,5ha. Theo tính toán, năng suất dưa hấu trên các chân đất lúa chuyển đổi đạt khoảng 30 tấn/ha, bán với giá 6.000 - 6.500 đồng/kg thì nông dân có thu nhập 180 - 195 triệu đồng/ha/vụ.

Trong khi trồng trọt thắng lợi thì thời gian qua lĩnh vực chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Thành Nam – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y, từ cuối tháng 12.2018 đến nay, bệnh lở mồm long móng đã và đang xảy ra tại 156 hộ dân ở 58 thôn thuộc 37 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh đó, bệnh này còn được phát hiện ở một cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Tổng số gia súc bị mắc bệnh là 1.251 con, trong đó 656 con phải tiêu hủy bắt buộc (gồm 653 con heo, 3 con bò). Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3.2019, dịch cúm A/H5N6 cũng bùng phát tại thôn 4 (xã Tiên Thọ, Tiên Phước) khiến 4.050 con gà bị nhiễm bệnh, chết và phải tiêu hủy khẩn cấp. Ngoài ra, thời gian qua bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng cũng xảy ra rải rác ở tôm nuôi tại huyện Duy Xuyên và một số địa phương ven biển nhưng ở quy mô nhỏ, chưa lây lan diện rộng.

Tập trung sản xuất vụ hè thu

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, hiện nay toàn huyện có 3.700ha đất lúa. Trước nguy cơ nắng nóng và xâm nhập mặn có khả năng xảy ra trên diện rộng, hè thu 2019 sắp tới ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở sẽ tập trung hỗ trợ nông dân chuyển khoảng 70ha đất lúa khó khăn nước tưới ở các xã Duy Hòa, Duy Tân, Duy Trinh, Duy Phước và thị trấn Nam Phước sang sản xuất các loại cây trồng cạn có sức chịu hạn tốt nhằm giảm thiểu thiệt hại.

“Đối với 3.630ha đất lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, vụ tới Duy Xuyên chủ trương bố trí 100% giống lúa trung - ngắn ngày nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng, tránh tình trạng ngập úng và hư hại do mưa lũ gây ra vào thời điểm cuối vụ” - ông Năm chia sẻ.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng phòng NN&PTNT Bắc Trà My cho biết, toàn huyện có 725ha đất lúa nhưng vụ hè thu 2019 chỉ đưa vào gieo sạ 620ha. Theo ông Thiệu, sở dĩ cắt giảm diện tích là do 105ha đất lúa ở các xã Trà Tân, Trà Giang, Trà Dương và thị trấn Trà My không chủ động nước tưới, nếu sản xuất thì nhiều khả năng sẽ bị mất mùa do nắng hạn gây ra. Hiện nay, huyện đã lên phương án cụ thể và thời gian tới sẽ vận động nông dân chuyển 105ha đất lúa khó khăn nước tưới đó sang canh tác bắp lai, đậu phụng, khoai lang...

Ông Ngô Tấn cho biết, bên cạnh việc sản xuất 2.500ha đậu phụng, 8.500ha bắp, 2.500ha mè..., hè thu 2019 toàn tỉnh sẽ gieo sạ 42.000ha lúa. Vụ tới ngành nông nghiệp chủ trương cơ cấu các loại giống lúa trung - ngắn ngày có khả năng chống chịu khô hạn tốt và ít bị sâu bệnh gây hại như HT1, PC6, KD18, BC15, TH3-3, TH3-5... Theo kế hoạch, thời gian xuống giống số diện tích lúa vừa nêu bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào ngày 5.6.2019 để lúa trổ từ ngày 25.7 đến 10.8 và thu hoạch xong trước ngày 5.9, chậm nhất là ngày 10.9. Ngoài việc phổ biến rộng rãi lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa hè thu 2019 cho nông dân thì ngay từ bây giờ chính quyền các địa phương cần tập trung khảo sát và xây dựng bài bản phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những chân đất lúa không chủ động nước tưới hoặc bấp bênh nước tưới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải đảm bảo phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng.

Còn ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thì đề nghị ngành liên quan và chính quyền cơ sở khuyến cáo nông dân thu hoạch lúa đông xuân đến đâu thì tiến hành cày phơi ải đến đó để hạn chế cỏ dại và cắt cầu nối một số loại sâu bệnh chuyển vụ. “Những ngày tới, ngành chuyên môn cần phối hợp với chính quyền cấp huyện, xã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về nguy cơ hạn hán. Đồng thời hướng dẫn nông dân các giải pháp tưới nước tiết kiệm kết hợp với việc tổ chức ra quân khơi thông dòng chảy tại các sông suối, trạm bơm và thực hiện các phương án chống hạn khác nhằm triệt để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước mặt. Các đơn vị quản lý các hồ chứa nước cần tính toán, cân đối khả năng nguồn nước, qua đó xây dựng kế hoạch điều tiết nước phù hợp” - ông Muộn nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  821 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 102 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 70 100
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com