hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Triển khai Luật Thủy sản 2017: Hướng đến nghề cá trách nhiệm (20/06/2018)
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai Luật Thủy sản 2017, giao Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, ngành liên quan của tỉnh nhanh chóng tiến hành các bước chuẩn bị để khi luật chính thức có hiệu lực thi hành sẽ sớm đi vào đời sống.

Cảng cá có vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc thủy sản.Ảnh: V.N

Cảng cá có vai trò quan trọng trong truy xuất nguồn gốc thủy sản.Ảnh: V.N

Khắc phục “thẻ vàng” thủy sản

Luật Thủy sản 2017 đã cụ thể hóa nhiều nội dung liên quan đến chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), tập trung giải quyết nhiều khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) sau khi phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của nước ta hồi tháng 10.2017.

Theo đó, luật quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu cá theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương cấp tỉnh cấp phép cho từng tàu cá; quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn. Về quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với chủ tàu cá lên đến 1 tỷ đồng.

“Phạt nặng chủ tàu cá là câu trả lời của chúng ta với EC. EC muốn đưa mức phạt cụ thể vào Luật Thủy sản 2017 do đó Bộ NN&PTNT đã cố gắng đưa vào bổ sung trong luật này mức phạt tối đa. Sau này có nghị định hướng dẫn thực hiện luật mới sẽ có mức phạt cụ thể cho từng trường hợp sai phạm” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết.

Phối hợp triển khai  hiệu quả

Luật Thủy sản 2017 có 9 chương, 105 điều, được đánh giá là toàn diện, bao quát, giải quyết được nhiều bất cập so với Luật Thủy sản 2003. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để Luật Thủy sản được triển khai hiệu quả khi có hiệu lực từ ngày 1.1.2019, ngay từ bây giờ, Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngành liên quan của tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho mọi người dân được rõ; mở các lớp tập huấn, nâng cao nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức quản lý thủy sản ở cơ sở; thường xuyên giám sát, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện…

Đặc biệt, Luật Thủy sản 2017 quy định trách nhiệm của tổ chức quản lý cảng cá thông qua thực hiện thống kê, xác nhận nguồn gốc thủy sản.

Theo đó, tiếp nhận khuyến nghị của EC, luật quy định trách nhiệm của ban quản lý cảng cá từ chối cho bốc dỡ hàng hải sản đối với tàu cá vi phạm đánh bắt bất hợp pháp.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cảng cá nào trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc sẽ được Bộ NN&PTNTcông bố công khai cho các tổ chức trong và ngoài nước biết, đảm bảo chặt chẽ quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Luật Thủy sản 2017 vừa được thông qua cũng có quy định quản lý đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Phát triển bền vững

Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam, điểm mới trong Luật Thủy sản 2017 là có quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản (Luật 2003 không đề cập vấn đề này). Cơ sở dữ liệu quốc gia bao gồm toàn bộ dữ liệu ngành về nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng, tàu cá. Khi ngư dân đăng ký tàu cá sẽ được thực hiện bằng Sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Tất cả thông tin và dữ liệu sẽ được chuẩn hóa, số hóa bằng khoa học công nghệ, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, thực hiện theo chủ trương chính phủ điện tử. Các cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy cập vào cơ sở dữ liệu này để nắm bắt thông tin kịp thời, chủ động xử lý tình huống.

Ông Ngô Văn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, điểm mới của Luật Thủy sản 2017 là quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo đó, Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng để cùng chia sẻ trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi. Quyền đồng quản lý thủy sản được quy định rõ là ngăn chặn đối với các hành vi vi phạm hành chính và quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Về quản lý hạn ngạch, Bộ NN&PTNT sẽ giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và sản lượng cho phép khai thác theo loài để UBND tỉnh tổ chức cấp phép hạn ngạch trong phạm vi quản lý. Trong mục quản lý tàu cá, điểm mới là các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá chỉ được hoạt động khi được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện bởi UBND tỉnh. Về đăng kiểm tàu cá, sẽ được hiện thực theo phương thức xã hội hóa nhằm thu hút nhiều nguồn lực và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. “Thay đổi của Luật Thủy sản 2017 so với trước đây là chuyển đổi nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, hướng đến phát triển bền vững” - ông Ngô Văn Định nói.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  637 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 49 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 20
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com