hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Tìm hướng khôi phục làng tơ tằm Đại Bình (29/09/2016)
Cùng thời với nghề dệt lụa ở Duy Xuyên, nghề nuôi tằm lấy tơ ở làng Đại Bình (Nông Sơn) cũng có từ rất lâu đời. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự cạnh tranh của các loại tơ công nghiệp, làng nghề này đang trên đà mai một.

Những dụng cụ nuôi tằm ở làng Đại Bình nay đã bị phủ bụi.

 
Những dụng cụ nuôi tằm ở làng Đại Bình nay đã bị phủ bụi.

Trước năm 2014, gia đình bà Huỳnh Thị Thu Hà (47 tuổi, thôn Đại Bình, xã Quế Trung) có hơn 2.500m2 trồng dâu để nuôi tằm lấy kén. Mỗi lứa nuôi một hộp trứng tằm, bà Hà thu được hơn 50kg kén tơ. Tơ bán ra thị trường có giá 100 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, bà Hà còn bán nhộng cho các quán ăn trên địa bàn huyện. Thu nhập sau một lứa tằm với thời gian nuôi chưa đầy một tháng cũng gần 10 triệu đồng. Bà Hà chia sẻ: “Nếu với diện tích đó, tôi trồng lúa hoặc trồng trái cây cũng không hiệu quả bằng việc nuôi tằm. Vì đây là nghề của ông bà để lại, tất cả đều làm theo kiểu truyền thống, chỉ tốn công chứ không cần kỹ thuật gì phức tạp”.

Hợp tác xã Dâu tằm Đại Bình được thành lập từ năm 1979, nhằm giúp các hộ làm nghề nuôi tằm lấy tơ ở đây có thể liên kết lâu dài với những đơn vị thu mua kén tơ và bán giống con ở huyện Duy Xuyên. Trong thời gian dài, làng Đại Bình tấp nập thương lái tìm đến. Tuy nhiên, những năm gần đây họ vắng hẳn. Ông Phan Thông (63 tuổi, thành viên của Hợp tác xã Dâu tằm Đại Bình) tiếc nuối khi lục lại các dụng cụ nuôi tằm trước đây để... lau bụi. Những cái nong, cái giá từng cùng ông nuôi 3 người con ăn học nên người nhưng giờ phải xếp cất sau nhà. “Do các loại tơ công nghiệp trong những năm gần đây ngoài thị trường nhiều. Đủ mọi chất liệu, màu sắc và giá thành rẻ hơn tơ truyền thống của mình nên cạnh tranh không lại. Mặt khác, từ xưa đến nay, những hộ dân ở đây đều phụ thuộc vào thương lái, khi họ đứng hàng không nhận nữa thì mình cũng bị bỏ rơi” - ông Thông nói.

Theo ông Nguyễn Duy Minh - Trưởng thôn Đại Bình, trong làng có hơn 100 hộ từng làm nghề trồng dâu nuôi tằm lấy kén tơ. Hơn 40ha đất ven sông Thu Bồn thuộc xã Quế Trung cũng một thời được phủ kín bởi những ruộng dâu. Nhưng từ 2 năm trở lại đây, tất cả các hộ dân đều phải bỏ nghề, diện tích trồng dâu cũng bị phá và thay thế bằng các loại cây hoa màu, cây ăn quả khác. Ông Trương Ngọc Vũ - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Nông Sơn cho biết, từ lúc chưa chia tách huyện, các cấp chính quyền đã lập đề án bảo tồn và phát huy làng nghề tơ tằm Đại Bình. Nhưng trong thời gian dài, nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp nên đề án chưa được thực hiện. Hiện tại, các hộ dân ở Đại Bình đã không còn làm nghề. “Sắp tới, sau khi hoàn thành việc quy hoạch lại làng du lịch sinh thái Đại Bình, chúng tôi sẽ tiến hành thí điểm một số hộ khôi phục lại nghề tơ tằm truyền thống. Mục đích chủ yếu để tạo điểm tham quan cho du khách. Nếu tìm kiếm được một doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư lại làng nghề, chúng tôi sẽ rất hoan nghênh và hỗ trợ trong khả năng có thể” - ông Vũ cho biết thêm.

Theo baoquangnam.vn

Lượt xem:  617 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 234 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 80 120 160 200 230
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com