hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Xem hội buôn làng (27/08/2015)
Sắc màu truyền thống Cơ Tu như phủ kín sân gươl của làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang) trong ngày hội buôn làng. Xúng xính trong trang phục truyền thống, những chàng trai, cô gái Cơ Tu hòa mình cùng các vũ điệu tâng tung da dá đầy ấn tượng, độc đáo.

Một ngày trước lễ hội, các già làng tổ chức cuộc họp bàn, thống nhất chủ trương chung để thực hiện các nghi lễ truyền thống theo đúng phong tục của đồng bào địa phương. Với không gian kiến trúc vừa đẹp lại rộng rãi, sân gươl làng văn hóa du lịch Bhơ Hôồng 1 được các già làng chọn làm nơi tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống chung của xã. Do vậy, ngoài sân khấu chính được huy động xây dựng, điểm diễn ra lễ hội còn đảm bảo nơi cúng thần linh, trụ x’nur (cây nêu) cột trâu, khu trưng bày sản phẩm truyền thống... Đại diện chủ làng Bhơ Hôồng 1 cũng được giao đảm nhận vai trò chủ đạo trong việc hành lễ, thông qua các nghi thức chung của lễ hội truyền thống Cơ Tu. Theo già làng Bhơ Hôồng 1 - ông Bh’nướch Bao, khác với các lần tổ chức trước đây, năm nay chương trình lễ hội có nhiều nét đổi mới, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng người dân địa phương và hội tụ được những sắc màu đa dạng, có chiều sâu văn hóa. Trong đó, nổi bật là các cuộc thi trang sức, trang phục truyền thống, kết hợp trình diễn múa hát cồng chiêng, nói lý - hát lý... “Trước ngày tổ chức lễ hội, dân làng địa phương ai cũng đều tập luyện hăng say, mong muốn mang đến lễ hội những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất” - già Bao bộc bạch.

Hội làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu xã Sông Kôn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Hội làng truyền thống của đồng bào Cơ Tu xã Sông Kôn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Theo bà Đinh Thị Ngơi - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, cùng với các cuộc thi múa tâng tung da dá truyền thống... nét mới trong lễ hội năm nay là sắc màu thổ cẩm và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào Cơ Tu được trưng bày, triển lãm phục vụ du khách. Không nằm ngoài mục đích ca ngợi tinh thần lao động sáng tạo của đồng bào Cơ Tu trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng; phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng; đề cao lòng nhân ái, khát vọng tự do và hạnh phúc... lễ hội còn là dịp để quảng bá văn hóa, tuyên truyền giáo dục truyền thống cho các lớp trẻ đồng bào địa phương. Bên cạnh các hoạt động văn hóa đặc trưng, lễ hội năm nay còn nổi bật với phần tham gia thể hiện tài năng của các diễn viên nhí, những học sinh tiểu học với các tiết mục trình diễn thời trang, múa cồng chiêng đầy ấn tượng. Lễ hội cũng có sự góp mặt của đồng bào Kinh ở thôn Bền, hòa mình trong niềm vui chung của buôn làng bên dòng Mơ-tua xanh mát, hiền hòa.

Nụ cười của dân làng Bút Tưa
Xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội, rất nhiều người dân và du khách tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dân làng Bút Tưa. Bởi, kể từ sau sự cố về “cái chết xấu” khiến hàng chục hộ bỏ làng đi, đây là lần đầu tiên đồng bào Bút Tưa góp mặt trong lễ hội văn hóa truyền thống của cả cộng đồng trên địa bàn xã. Theo già làng Bút Tưa - ông Alăng Văng, lễ hội lần này ngoài mang ý nghĩa chủ trương chung, còn là cơ hội để đồng bào Bút Tưa được hòa mình trong niềm vui chung của dân làng; qua đó, tạo sự gắn kết bền chặt, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo trong đời sống, góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Vì vậy, cùng với hoạt động giao lưu mang tính cộng đồng, dân làng Bút Tưa góp thêm nhiều tiết mục trình diễn đặc sắc, thông qua hội cồng chiêng, thi trang sức, ẩm thực,...
Nụ cười đã trở lại trên đôi môi của đồng bào Bút Tưa. Những chàng trai, cô gái rộn ràng theo nhịp trống cùng vũ điệu tâng tung da dá trong niềm vui. Lấp lánh trên tấm choàng thổ cẩm trang phục truyền thống được đồng bào diện trong lễ hội, in những khuôn mặt rạng rỡ, tươi vui.

Đêm thi trình diễn trang phục truyền thống thu hút rất đông đồng bào bản địa và du khách đến xem, cổ vũ cho các diễn viên của 11 thôn trên địa bàn xã cùng nhau đua tài. Xen giữa các tiết mục múa hát cồng chiêng, là những màn trình diễn trang phục truyền thống, cùng đồ trang sức của đồng bào Cơ Tu. Với cách thể hiện đầy tự tin, dân dã, mộc mạc - những “nghệ nhân của làng” đã chiếm lĩnh được tình cảm của đông đảo đồng bào bản địa và du khách. Thanh âm ngày hội níu đôi chân của hàng nghìn người dân và du khách ở lại thật lâu, cùng hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào bản địa. Tiếng đàn abel réo rắt, trầm bổng như thổi vào trái tim người nghe, dập dìu quyện vào nhịp trống chiêng cho đều chân điệu da dá, dũng mãnh điệu tâng tung giữa sắc màu Cơ Tu độc đáo. Lần đầu tiên được chứng kiến lễ hội của đồng bào Cơ Tu, vợ chồng chị Katerina Matej, du khách đến từ Cộng hòa Séc cho biết họ thật sự bất ngờ và ấn tượng trước không gian văn hóa độc đáo của đồng bào. Bởi vậy, suốt thời gian lễ hội, hai vợ chồng chăm chú theo dõi và ghi lại toàn bộ hình ảnh đầy thích thú. “Chúng tôi muốn lưu lại những hình ảnh đẹp của ngày hội để làm kỷ niệm và giới thiệu cho bạn bè, người thân của mình. Ngoài quê hương Cộng hòa Séc, Việt Nam là địa danh đẹp thứ hai mà chúng tôi muốn được ở lại, cùng khám phá và thưởng ngoạn” - chị Katerina Matej chia sẻ.

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  1,190 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Tin đã đưa
Trang 1 / 148 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 40 70 110
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com