hình 1 hình 1 hình 1 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4 hình 4
Phát triển vốn rừng gặp khó (28/01/2015)
Các phương án phê duyệt chậm, nguồn vốn eo hẹp… là những nguyên nhân khiến lộ trình trồng rừng không đạt kế hoạch đề ra

 

Các vườn ươm ở miền núi phát triển mạnh phục vụ cây giống cho mùa trồng rừng năm 2015. Ảnh: TRẦN HỮU
Các vườn ươm ở miền núi phát triển mạnh phục vụ cây giống cho mùa trồng rừng năm 2015. Ảnh: TRẦN HỮU

Không đạt kế hoạch

Các chỉ tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc năm nay đã tính toán từ cuối năm 2014. Theo Sở NN&PTNT, năm 2015 tỉnh kiến nghị Trung ương phân bổ 110 tỷ đồng vốn kế hoạch trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.800ha (Trung ương 100 tỷ đồng, địa phương 10 tỷ đồng). UBND tỉnh cũng giao hơn 52.870ha cho các địa phương giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; đôn đốc các vườn ươm cây giống đáp ứng đủ kế hoạch trồng rừng cho những năm tiếp theo. Hai năm (2014 - 2015), phát triển rừng gặp khó khăn, bởi năm đầu hầu như các kế hoạch trồng rừng đều không đạt như kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, các địa phương mới trồng 387ha rừng đặc dụng và phòng hộ, trong khi kế hoạch 460ha (đạt hơn 84%); trồng rừng sản xuất kế hoạch giao 2.200ha nhưng mới thực hiện 1.900ha. Đặc biệt vốn ngân sách nhà nước trồng mới rừng chỉ triển khai đạt hơn 57%. Khoanh nuôi tái sinh rừng cũng không theo đúng kế hoạch. Lý giải nguyên nhân các chỉ tiêu đều thực hiện thấp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, suất đầu tư cho trồng, chăm sóc rừng phòng hộ và hỗ trợ rừng sản xuất thấp so với mặt bằng giá thị trường hiện nay. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ có sự chồng chéo với diện tích giao khoán trong đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Theo kế hoạch, năm 2015 cả tỉnh sẽ thực hiện hơn 800ha diện tích trồng rừng thay thế đối với các dự án đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng các công trình thủy điện và mục đích khác. Ngành nông nghiệp dự kiến thu hơn 64 tỷ đồng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, ký hợp đồng giao khoán bảo vệ 281.625ha rừng.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, từ đầu năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh xây dựng nhiều giải pháp trọng điểm, nhất là đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị có diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng khẩn trương lập phương án để ngành chức năng phê duyệt. Đối với các dự án dưới 10ha, thống nhất chủ trương trực tiếp trả nợ rừng mà không cần xây dựng phương án. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương kịp thời ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 để có thể triển khai vào đầu năm 2016. Tại buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc trong phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT thống nhất ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất giai đoạn 2016 - 2020; xem xét đề nghị Trung ương nâng suất đầu tư trồng, chăm sóc rừng phòng hộ…

Tiến độ trồng rừng thay thế ở các diện tích đã chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thậm chí còn ì ạch hơn. Cuối năm 2014, cả tỉnh chỉ phủ xanh hơn 253ha rừng, trong khi kế hoạch giao hơn 700ha. Bất cập phát sinh trong giải quyết thu hồi đất nương rẫy của người dân tốn nhiều thời gian. Theo chính quyền các huyện Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, thời gian gần đây, thị trường gỗ nguyên liệu rớt giá nên người dân chưa mạnh dạn trồng rừng sản xuất; một số nơi vướng về thủ tục pháp lý trồng rừng. Mặt khác, Trung ương bố trí nhỏ giọt vốn bảo vệ, phát triển rừng hằng năm.

Nhiều khó khăn

Sở NN&PTNT nhìn nhận, hầu hết dự án trồng rừng cơ sở đều thiếu vốn quản lý điều hành. Suất đầu tư trồng rừng phòng hộ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thấp nên chưa thể vận động được người dân tham gia, hoặc xã hội hóa công tác này. “Vốn giao không đủ, diện tích giao khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a không đưa về đơn vị nên khâu theo dõi, chỉ đạo gặp khó khăn” - ông Hưng nói. Tuy nhiên, tìm hiểu tại nhiều địa phương miền núi, vướng mắc phổ biến là khâu lập hồ sơ giao khoán rừng, rắc rối xác nhận ranh giới phạm vi trồng rừng cho nhóm hộ, cá nhân. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép tái diễn liên tục. Chi trả dịch vụ môi trường rừng còn bất cập. Đơn giá chi trả bình quân mỗi héc ta có sự chênh lệch khá lớn giữa các lưu vực trên địa bàn làm cho người dân so bì quyền lợi, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đơn cử, nơi cao nhất lưu vực thủy điện A Vương có giá 350 nghìn/ha/năm, thấp nhất là lưu vực thủy điện Sông Cùng chỉ 12 nghìn đồng/ha/năm.

Theo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt, giai đoạn này cả tỉnh trồng hơn 80.700ha rừng tập trung, hàng năm khai thác khoảng hơn 13.400ha rừng trồng, đáp ứng khoảng 308 nghìn mét khối gỗ chế biến và gỗ dăm, hơn 4,7 triệu tấn nguyên liệu bột giấy. Dự kiến tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng để thực hiện. Thế nhưng, “điệp khúc” thiếu nguồn là nguyên nhân chính khiến trồng rừng chậm tiến độ. Thực tế, nhiều địa phương không thích mở rộng diện tích trồng rừng, thay vào đó tập trung phát triển rừng theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác.

TRẦN HỮU

Theo Báo Quảng Nam

Lượt xem:  996 Google Bookmarks Google Bookmarks Bản in Quay lại

Ý kiến độc giả
{{NguoiGui}}   ()
gửi lúc {binding NgayGui, convert=dateConverter}
{{ HienThiNoiDung(NoiDung,TrangThai)}}
Chưa có bình luận nào của độc giả.
Tin đã đưa
Trang 1 / 89 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 30 60
 Go To 
 
Xem theo ngày :

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Nam
Địa chỉ: 119 Hùng Vương - TP. Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại: 0235.2221348 - 0235.2221377 - Fax : 0235.3858885
Email:vpdpnongthonmoiqnam@gmail.com